Cần thêm tội "mua bán thai nhi"

Theo Thiếu tướng Đạt, buôn bán những đứa trẻ còn trong bụng mẹ (thai nhi) cũng cần được coi là buôn bán trẻ em. Ngoài ra, một thủ đoạn tuy không mới nhưng hình thức, diễn biến ngày càng phức tạp, đó là môi giới hôn nhân.

Có những vụ tập trung hàng trăm cô gái Việt Nam rồi đưa ra nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia... để khách đến chọn. Đây là vấn đề dư luận xã hội rất bức xúc, bởi hành vi này đã biến các cô gái bị buôn bán như một món hàng.

Cháu bé bị mua bán được trao trả lại gia đình (Ảnh: Đăng Trường).
Cháu bé bị mua bán được trao trả lại gia đình (Ảnh: Đăng Trường).

- Từng làm Cục trưởng C14, chỉ đạo lực lượng triệt phá tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, theo Thiếu tướng, vì sao xuất hiện hành vi buôn bán thai nhi trong bụng mẹ? Hành vi này cần được nhìn nhận như thế nào so với hành vi buôn bán phụ nữ, trẻ em mà CQĐT đấu tranh từ trước tới nay?

Buôn bán thai nhi là hành vi mới, còn hành vi chiếm đoạt trẻ em bằng việc gây thương tích, thậm chí giết người thân trước đây cũng xảy ra ở Hà Giang. Năm nay, lực lượng Công an Việt Nam cùng Công an Trung Quốc đã triệt phá được các ổ nhóm bao gồm cả đối tượng người Việt và người Trung Quốc. Chúng tôi nhận thấy, bọn tội phạm buôn bán thai nhi bằng nhiều thủ đoạn, tìm ra được lý do thuyết phục các bà mẹ chấp nhận việc cho, bán đứa con.

Nhưng có hai nguyên nhân chính dẫn tới người mẹ đồng ý, đó là do hoàn cảnh éo le và nhận thức hạn chế. Sau khi cho con, người ta chỉ nghĩ là để một người khác nuôi nấng đứa trẻ thay họ vì họ (người mẹ) không có đủ khả năng làm việc đó.

- Trong trường hợp này, chúng ta có đặt vấn đề xử lý hình sự với người mẹ khi chấp thuận bán con, thai nhi của mình?

Có những người chấp nhận bán con vì hoàn cảnh khó khăn, éo le, không có khả năng nuôi con, thế nên đặt vấn đề xử lý những bà mẹ trong trường hợp này chưa có căn cứ. Còn nếu đối tượng cố tình bán con (một số đối tượng ở Tây Nam Bộ), vì các lý do khác, như một số người mẹ đưa con sang Campuchia bán lấy tiền tiêu xài, chi phí sinh hoạt… thì sẽ bị xử lý hình sự.

Vừa rồi, chúng tôi đã bắt được một số vụ buôn bán trẻ sơ sinh ở Hà Nam, Khánh Hòa và một số địa phương nữa. Tới đây các địa phương đang tiếp tục rà soát, phát hiện và bắt giữ, điều tra xử lý nghiêm khắc.

Về thủ đoạn hoạt động, chủ yếu là các đối tượng trong nước, nhưng để làm được các việc đó thì chúng phải móc nối với các đối tượng nước ngoài, hình thành đường dây từ trong nước ra nước ngoài, đưa trẻ em ra nước ngoài bán. Quy mô không lớn, nhưng tính chất của nó vô đạo đức bị cả xã hội lên án.

- Điểm đến việc mua bán thai nhi là sau khi giao, nhận tiền đặt cọc, đối tượng chờ đến khi đứa trẻ ra đời là bán cho các gia đình hiếm muộn, có nhu cầu về con nuôi?

Nếu đưa sang Trung Quốc thì chủ yếu là bán cho các gia đình hiếm muộn con. Các gia đình này đặt giá mua, thông qua những đối tượng mua bán, móc nối với các đối tượng trong nước hình thành đường dây mua bán trẻ em ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Tất cả những việc này có sự thỏa thuận, đặt vấn đề. Thông tin chúng mua về để lấy các bộ phận thì chưa có bằng chứng chính xác nào mà chỉ là tin đồn đại...

- Một hình thức đang bị lợi dụng là việc cho, nhận con nuôi, hiện đã xuất hiện hành vi lợi dụng mua bán, thu lợi bất chính bằng cách lừa đưa vào cơ sở nuôi dưỡng?

Lợi dụng việc nhận con nuôi để buôn bán trẻ sơ sinh đã có từ lâu rồi nhưng nó diễn ra ở góc độ khác, một số đối tượng móc nối với các trại SOS, nơi nuôi các cháu không nơi nương tựa. Nhưng ở đây chúng dùng thủ đoạn tìm các bà mẹ lang thang, có những hoàn cảnh éo le, điều kiện khó khăn rồi mặc cả, trả tiền cho họ, hứa đưa con họ vào các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi.

Còn thủ đoạn lợi dụng việc nhận con nuôi thì bọn chúng thông đồng với một số nhân viên trong các làng trẻ SOS nhận con nuôi rồi bán. Thủ tục cho, nhận con nuôi ở Việt Nam nói cho đúng ra theo quy định của pháp luật là hoàn toàn tự nguyện và công khai, còn đằng sau đó, đã có những cá nhân lợi dụng để trục lợi.

- Khi ban hành BLHS năm 1999, thực tiễn nước ta chưa xuất hiện hành vi mua bán thai nhi. Vậy việc xử lý áp dụng theo nguyên tắc nào, cần kiến nghị sửa đổi về mặt pháp lý ra sao?

BLHS hiện hành quy định tội buôn bán phụ nữ, trẻ em. Đối với thai nhi, trẻ sơ sinh cần phải làm rõ, nếu không việc xử lý rất khó. Tất nhiên vẫn phải vận dụng vào điều luật xử phạt Tội buôn bán phụ nữ, trẻ em nhưng thực chất là bọn chúng buôn bán những bào thai nằm trong bụng bà mẹ. Cho nên về mặt pháp luật nếu mà ngồi "chẻ" ra thì cũng chưa có tội buôn bán trẻ nằm trong bụng mẹ mặc dù hành vi cũng là buôn bán trẻ em.

- Không ít vụ, đối tượng mua bán cho rằng do nạn nhân "tự nguyện", nhưng nạn nhân lại khẳng định mình bị lừa gạt. Trong khi đó, có những nạn nhân sau này lại thành thủ phạm, mắt xích môi giới?

Khó khăn lớn nhất là số phụ nữ, trẻ em này thông thường nếu bán trót lọt qua biên giới mà sang bên đó người ta mới viết thư về tố cáo thì việc thu thập tài liệu chứng cứ mới bắt đầu. Nhiều trường hợp sau khi đi, người ta quay trở về nhà nhưng việc làm đó phải rất lén lút, bí mật dẫn đến tình trạng chỉ có một người tố giác.

Người bị bán thì khai là chúng nó lừa gạt bán lấy tiền nhưng đối tượng bị tố giác lại tìm mọi cách để trốn tránh bằng cách nói: cô ấy thỏa thuận với tôi là đưa đi tìm kiếm việc làm thì tôi chỉ biết giao cho người bố trí công ăn việc làm cho cô ấy.

CQĐT không đủ chứng cứ chứng minh được đối tượng môi giới có nhận tiền qua việc đó. Phương tiện, điều kiện, trang thiết bị phục vụ công việc rất khó khăn.

- Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Theo ĐĂNG TRƯỜNG (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm