Ngày 18-7, đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo “Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra và giải pháp”.
Nghiên cứu luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện
Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho rằng từ khi cơ chế điều chỉnh giá điện theo thị trường được ban hành, giá bán lẻ điện được điều chỉnh không những đảm bảo tài chính bền vững cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư, vận hành hệ thống mà còn đảm bảo tài chính cho các nhà đầu tư nguồn điện ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh điện. Tuy nhiên, do giá điện là mặt hàng nhạy cảm, việc thay đổi có thể ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đời sống của người dân nên trong một số năm giá điện đã được giữ ổn định.
Nêu quan điểm của Bộ Công Thương, ông Quang nói cần nghiên cứu để luật hóa quy định về cơ chế điều chỉnh giá điện phù hợp. “Cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo sự phát triển của thị trường điện” - ông Quang nói và nhấn mạnh mục tiêu là thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, công bằng, điều hành giá điện qua hoạt động mua bán điện.
Ông Quang cũng đề xuất ban hành nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện với thẩm quyền thuộc Chính phủ và đơn vị điện lực. Đồng thời bổ sung chính sách giá điện theo vùng miền, phản ánh chi phí bán lẻ điện cho nhóm khách hàng.
Hội thảo “Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra và giải pháp”. Ảnh: XĐ |
PGS-TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường CĐ Điện lực miền Bắc, nhận xét đợt điều chỉnh giá điện gần đây nhất vào tháng 5-2023. Sau bốn năm không điều chỉnh giá điện là không phải điều tiết giá theo tín hiệu của thị trường. “Việc không điều chỉnh quá lâu sẽ dẫn tới giá điện không phản ánh tín hiệu của thị trường và nguy cơ lỗ lớn có thể xảy ra” - ông Hồi nêu quan điểm.
Nói về hệ lụy, theo ông Hồi, EVN không có khả năng tái đầu tư mở rộng hệ thống điện và không có khả năng thanh toán cho các đơn vị bán điện, từ đó dẫn tới nguy cơ an ninh trong cung cấp điện không được đảm bảo. Thêm nữa, việc không điều chỉnh giá sẽ gây áp lực lớn cho nền kinh tế, các hộ tiêu dùng cũng như thực thi lộ trình tái cấu trúc ngành điện.
Từ phân tích trên, ông Hồi cho rằng các quyết định pháp lý về lộ trình tái cấu trúc ngành điện cần điều chỉnh thực tế và khả thi hơn. “Không thể mãi hô khẩu hiệu là phải làm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, phá bỏ thế độc quyền của EVN nhưng các điều kiện tiên quyết lại không thể thực hiện” - ông Hồi nói.
Mục tiêu số 1 là phải đủ điện
Nêu quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước vẫn phải tiếp tục, dù chúng ta có hình thành thị trường bán lẻ điện đi nữa thì Nhà nước vẫn phải kiểm soát. Những quan điểm này được nêu rõ tại chiến lược phát triển năng lượng, Nghị quyết 55 của Trung ương.
“Giá năng lượng, giá điện luôn được trung ương xác định phải theo thị trường, dần dần xóa bỏ bù chéo. Cơ cấu ngành điện thế nào thì Nhà nước vẫn phải kiểm soát, kiểm soát ở mức độ nào để tăng cạnh tranh, minh bạch là quan trọng” - ông An nói.
Cũng theo thứ trưởng Bộ Công Thương, câu chuyện giá điện gắn chặt với chuyện quản lý của ngành điện. “Nhưng tái cơ cấu gì thì cơ cấu, mục tiêu số 1 là phải đủ điện. Giá điện phải tối ưu nhất và thực sự minh bạch dù là Nhà nước hay tư nhân làm” - ông An nói.
Theo ông An, hiện Luật Điện lực, Luật Giá là hai luật quan trọng, tạo nền tảng cho quản lý các chi phí của ngành điện. Do vậy, thời gian tới cần nghiên cứu sửa đổi Luật Điện lực, trong đó luật hóa điều hành giá điện, không để ở mức “quyết định của Thủ tướng”, cũng như luật hóa các quy định về thị trường điện.
Bộ Công Thương cũng đề xuất xây dựng Luật Năng lượng tái tạo và sửa đổi, bổ sung Luật Tiết kiệm năng lượng hiệu quả.•
Bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng chính sách giá điện của Việt Nam thời gian qua đã góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc tới ý kiến cho rằng cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý; cơ cấu biểu giá bán lẻ chưa phù hợp, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần…“Cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện; chưa dự báo tốt và tính toán đầy đủ những yếu tố ảnh hưởng từ thị trường năng lượng khu vực và thế giới” - ông Hải nhận xét và cho rằng những tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc về giá điện, thị trường điện hiện nay ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện, ngành năng lượng và sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
“Cần có cách làm mới, giải pháp đột phá tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân với giá cả hợp lý trong một thị trường lành mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói và cho hay đây cũng là mục tiêu của đoàn giám sát chuyên đề được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao phó.