Trong tuần qua, thông tin UBND TP.HCM trao quyết định phê duyệt kết quả tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên (SV) xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2023 cho ba thí sinh trúng tuyển đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc.
Đây là những thí sinh đầu tiên của TP được tuyển từ SV xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ sau năm năm thực hiện theo Nghị định 140/2017.
Một số bạn đọc cho rằng TP cần thêm nhiều chính sách hơn để thu hút, tạo nguồn cán bộ từ SV tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Khơi nguồn động lực cho cán bộ trẻ, giỏi
Bạn đọc Thanh Hoa ý kiến: “Trong năm năm mà TP.HCM chỉ tuyển dụng được ba người là quá ít, so với số SV xuất sắc ra trường tại các trường ĐH ở TP.HCM. Nguyên nhân là do các SV không đáp ứng tiêu chuẩn của cơ quan tuyển dụng, hay những chính sách về chế độ, môi trường làm việc chưa hấp dẫn đến các SV tốt nghiệp sắc xuất, cán bộ khoa học trẻ. Nếu tìm ra nguyên nhân và điều chỉnh cho phù hợp thì việc tuyển dụng sẽ mang lại hiệu quả hơn”.
“Mức lương thấp, trả lương cào bằng, không phân biệt giữa người giỏi và người chỉ đáp ứng công việc với mức trung bình, môi trường làm việc không khuyến khích sáng tạo... là những nguyên nhân khiến người tài ngại làm việc tại một số cơ quan nhà nước. Những nguyên nhân trên là rào cản và cần được nhìn nhận, điều chỉnh cho phù hợp” - bạn đọc Nguyễn Đông ý kiến.
Bạn đọc Trần Dân nêu: “Theo tôi, chính sách thu hút nhân tài là một chính sách rất tốt nhằm đẩy mạnh cho sự phát triển, sáng tạo hơn trong từng bộ phận, cơ quan nhà nước. Cùng với việc thu hút nhân tài, theo tôi ta nên bỏ dần biên chế ở một số ngành và chỉ duy trì biên chế trong những đơn vị đặc biệt như công an, bộ đội… Đối với những ngành như giáo dục, y tế nên chỉ là hợp đồng theo luật lao động bình thường. Có như vậy, mới tạo được môi trường cạnh tranh, nhiều bạn trẻ có thể phát huy hết khả năng của mình. Đồng thời, ở một số sở, ngành nên có cơ chế làm việc và đánh giá công việc theo năng suất, hiệu quả công việc”.
Mức lương thấp, trả lương cào bằng, không phân biệt giữa người giỏi và người chỉ đáp ứng công việc với mức trung bình, môi trường làm việc không khuyến khích sáng tạo... là những nguyên nhân khiến người tài ngại làm việc tại một số cơ quan nhà nước.
Mong mức lương tốt, thử sức môi trường áp lực
Em Đỗ Nguyên Vũ, SV năm tư ngành quản trị kinh doanh ở một trường ĐH tại TP.HCM, cho biết hiện tại bản thân đã có định hướng cho công việc tương lai. Vì có vốn tiếng Anh tốt nên nguyện vọng của Vũ là muốn làm việc trong các doanh nghiệp, công ty nước ngoài.
“Những công ty nước ngoài sẽ giúp em phát huy được hết sở trường của mình. Đồng thời, em nghĩ môi trường làm việc khắc nghiệt sẽ giúp em phát triển và trưởng thành nhiều hơn. Gia đình cũng muốn em làm ở các doanh nghiệp nhà nước nhưng em được biết là mức lương thấp, ít chế độ đãi ngộ nên em đã có sự lựa chọn khác” - Vũ chia sẻ.
Tương tự, em Nguyễn Huỳnh Trâm Anh, SV ngành công nghệ thông tin ở một trường ĐH tại TP.HCM, cũng chia sẻ bản thân không muốn làm việc tại một môi trường bị ràng buộc về thời gian.
“Công việc của em sau này về cơ bản sẽ rất áp lực, vì liên tục đối mặt với các mã code. Do đó, việc đi làm bị ràng buộc về thời gian sẽ không phù hợp. Bản thân em chỉ muốn làm việc tự do, em muốn chủ động thời gian của mình hơn. Do vậy, nếu vào làm ở một doanh nghiệp nhà nước thì phải tuân theo những nội quy, quy chế… nên em thấy không phù hợp với bản thân” - Trâm Anh cho biết thêm.•
Chính sách thu hút cán bộ từ SV tốt nghiệp xuất sắc
Nghị định 140/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ SV tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có hiệu lực từ ngày 20-1-2018.
Nghị định này quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ SV tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang.
Tại Điều 2 Nghị định 140/2017 quy định về đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ.
Cụ thể, SV tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục ĐH ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc ĐH.
Cá nhân đoạt các giải trong một số cuộc thi, kỳ thi theo quy định.
Người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, dược học trong độ tuổi theo quy định… PV