Mới đây, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Sở Y tế TP.HCM nói về đề xuất cấm livestream bán thuốc” về nội dung ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM đã thông tin việc kinh doanh dược (bán thuốc) trực tuyến chưa được pháp luật công nhận. Sở Y tế khẳng định bán thuốc qua hình thức livestream là vi phạm pháp luật.
Theo đó, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ Y tế đề xuất các cơ sở kinh doanh dược phẩm không được bán hàng qua mạng xã hội hoặc livestream mà chỉ được bán trên sàn thương mại điện tử, website.
Bình luận về bài viết, bạn đọc ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế về việc cấm livestream bán thuốc. Song song với đó, bạn đọc đề nghị cần liên tục kiểm tra các tiệm thuốc trên khắp cả nước nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
Cần lựa chọn nhà thuốc uy tín để mua
Bạn đọc Hoàng Như bình luận: “Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế. Thuốc thang liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, không thể cứ bán tràn lan trên MXH hay livestream được”.
“Kỹ thuật, công nghệ phát triển, cái gì người ta cũng mang lên mạng bán được, kể cả thuốc. Trong khi đó, kinh doanh dược phẩm là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tôi tò mò không biết những shop bán thuốc trên MXH có giấy phép, chứng chỉ hành nghề không mà tư vấn cho khách hàng rất nhiệt tình. Một số người vô tư nghĩ rằng mua như người bán chỉ là hết bệnh, nào ngờ ‘chữa lợn lành thành lợn què’” – bạn đọc Ánh Lê viết.
Bạn đọc Minh Khoa cho biết: “Đặt thuốc trên mạng khá tiện và rẻ nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro nên mong mọi người hãy lựa chọn những nhà thuốc lớn và uy tín mà mua. Vừa được dược sỹ tư vấn tận tình vừa an tâm về chất lượng, nguồn gốc thuốc”.
Cũng nên cấm livestream bán thực phẩm chức năng
“Hiện nay, không khó để tìm mua thuốc kê đơn trên MXH, thậm chí là sau một cuộc gọi là có thuốc ngay. Đơn cử như khi tìm kiếm từ khóa ‘mua thuốc ngủ’ thì ra nhiều kết quả với những lời mời chào như ‘thuốc ngủ giá rẻ’, ‘thuốc ngủ cực mạnh’,… Việc này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường như người bệnh dùng quá liều dẫn đến sốc thuốc hoặc sử dụng thuốc ngủ cho mục đích phạm tội. Do vậy, tôi đề nghị cần sớm ban hành quy định và có chế tài xử phạt đối với cá nhân vi phạm” – bạn đọc Mỹ Lan viết.
Bạn đọc Văn Tấn chia sẻ: “Theo tôi, cũng nên nghiên cứu cấm livestream bán thực phẩm chức năng. Hiện nay, các loại thực phẩm chức năng bị ‘thổi phồng’ về công năng, quảng cáo nhan nhản trên các trang mạng. Chưa kể trường hợp hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến người dân lo lắng và bức xúc”.
Bạn đọc Xuân Dương nêu ý kiến: “Ngoài việc kiểm soát bán thuốc trên mạng thì cũng cần đẩy mạnh kiểm tra các nhà thuốc trên cả nước. Nhà thuốc nào không đảm bảo điều kiện kinh doanh thì tiến hành xử phạt theo quy định, thậm chí là tước giấy phép hành nghề, đóng cửa vĩnh viễn để người dân yên tâm. Nhiều bệnh nhân khó khăn, đang cố gắng chạy chữa mà còn mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng thì quá khổ”.