Chiều 9-3, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo “Các vấn đề phát triển TP.HCM - Cơ chế, chính sách đột phá” với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu cả nước.
Siêu đô thị mà cho cơ chế chẳng khác mấy tỉnh lẻ
Tại hội thảo, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị năm 2012 đã định hướng, mở không gian và tạo điều kiện để TP.HCM có cơ hội bứt phá, phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian qua tư tưởng nói trên của nghị quyết chưa được thực hiện đầy đủ, thậm chí còn xuất hiện những trói buộc, hạn chế mới, cản trở sự phát triển của TP.
Đồng quan điểm, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng TP.HCM chỉ có thể đột phá nếu như trung ương cho phép thử nghiệm cải cách thể chế và TP thiết lập được cơ chế hợp tác và liên kết vùng hiệu quả.
Ông Tự Anh cho rằng các lĩnh vực ưu tiên được phân quyền rộng rãi hơn cho TP.HCM không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính-ngân sách và mô hình quản lý chính quyền đô thị mà còn phải ở nhiều lĩnh vực khác. Trong đó, tỉ lệ phân bổ ngân sách giữa trung ương và TP.HCM phải công bằng so với các địa phương khác. “Trước khi nộp các khoản thu về trung ương TP.HCM là một tỉnh giàu, sau khi nộp TP.HCM trở thành một tỉnh nghèo. Tính theo mức chi ngân sách bình quân đầu người, mức chi cho TP.HCM chỉ đạt 7,1 triệu đồng/người/năm, thấp hơn bình quân toàn quốc” - ông Tự Anh nói.
TS Tự Anh cũng cho rằng TP.HCM phải có tự chủ trong lựa chọn và quyết định mô hình quản lý đô thị của mình, bao gồm nền hành chính công phù hợp và việc thiết lập các cơ quan công quản (có tính chất sự nghiệp công) phù hợp, đáp ứng nhu cầu quản lý một đại đô thị. Đồng thời TP.HCM phải có sự tự chủ trong tuyển dụng, đánh giá, đãi ngộ làm việc trong khu vực công, tức là cạnh tranh để tìm người thực tài, đánh giá cán bộ dựa trên hiệu quả công việc.
TS Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng TP.HCM là một siêu đô thị với hơn 10 triệu người, vậy mà hệ thống quản lý vẫn vận hành theo cấu trúc và thể chế tuy có được điều chỉnh, hoàn thiện nhưng về cơ bản vẫn như cũ. “Thể chế quản lý một siêu đô thị như TP.HCM mà vẫn theo nguyên lý và luật pháp giống như một tỉnh miền núi, vùng nông thôn với quy mô dân số nhỏ hơn hàng trăm lần là không được” - ông Tuấn Anh nói và cho rằng phải cải cách TP.HCM theo hướng quản lý của một siêu đô thị. Với tư cách là một siêu đô thị thì TP.HCM hoàn toàn có thể đột phá, phát triển mạnh mẽ.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đang trao đổi với PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại hội thảo. Ảnh: T.LÂM
Dân đông nhưng chưa mạnh, cán bộ còn thiếu chuyên nghiệp
Tại hội nghị, khá nhiều đại biểu cho rằng TP.HCM cần thay đổi về chất, cụ thể là yếu tố con người. TS Nguyễn Minh Hòa, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho rằng một trong những khâu cần đột phá mạnh nhất, lâu dài nhất và cũng có thể là khó khăn nhất là chất lượng cư dân, chất lượng nguồn nhân lực.
Ông Hòa cho rằng cư dân thông minh, năng động và có đẳng cấp thì sẽ thay đổi được mọi vấn đề. “TP.HCM đông dân nhưng nhìn một cách tổng quát và so với các TP khác thì chất lượng dân số của chúng ta ở mức trung bình. Một cảm nhận là TP đông nhưng không mạnh, chưa phải là TP tri thức, chưa phải là TP có đẳng cấp. Nhìn vào ai cũng thấy TP “lam lũ, nhếch nhác, khổ khổ”. Những khuôn mặt thiếu tự tin, thư thái, thiếu trí tuệ và lịch lãm” - ông Hòa nhìn nhận và cho rằng chất lượng dân số thấp thì không thể phát triển nhanh và bền vững được.
Về đội ngũ cán bộ công quyền, ông Hòa cũng đánh giá là không giỏi, thiếu chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng (đặc biệt là hai kỹ năng tổ chức hành động thực tiễn và kỹ năng ngoại ngữ), thiếu sáng tạo và khá phụ thuộc. Đặc biệt, TP.HCM thiếu những nhóm tham mưu giỏi, chuyên sâu cho lãnh đạo.
Vị tiến sĩ này cũng đánh giá TP.HCM không có đội ngũ doanh nhân có tầm quốc tế, có trí tuệ và có tính cộng đồng cao. Doanh nhân ở TP.HCM còn nhỏ bé về quy mô, tầm ảnh hưởng hẹp, yếu ớt và chưa vươn ra tầm quốc tế.
Từ phân tích đó, TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng TP cần chú trọng nâng cao chất lượng dân số để làm tiền đề cho sự bứt phá nhanh.
Bí thư Thăng: Giải pháp đột phá cần tựa trên căn cứ vững chắc Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng TP.HCM luôn cùng cả nước và vì cả nước. Xây dựng cơ chế cho TP.HCM là cho cả nước. Ông Đinh La Thăng cho rằng chúng ta cần có cơ chế phù hợp với quy mô, tốc độ phát triển của TP.HCM, cần một cái áo vừa cho TP phát triển. Trân trọng các đề xuất của các chuyên gia nhưng ông Đinh La Thăng cũng lưu ý các đề xuất giải pháp đột phá cần có căn cứ vững chắc, có sự cẩn trọng, tính cụ thể và cân nhắc đến các tác động. “TP đã từng đề xuất rất nhiều giải pháp, định hình rất nhiều ý tưởng, có những kiến nghị được chấp thuận, cũng có kiến nghị chưa được sự ủng hộ đồng thuận từ phía trung ương. Do đó các giải pháp cần đúc kết kinh nghiệm, bối cảnh, điều kiện, cách làm, nghiên cứu sâu các nguyên nhân thất bại để tiếp nhận các hạt nhân hợp lý, tránh các sai lầm trong đề xuất chính sách” - ông Thăng nói. Phải cho TP.HCM nhiều cơ chế đột phá TP.HCM nên xin trung ương cho thí điểm đặc khu kinh tế Nam Sài Gòn; quyền thu phí sử dụng bất động sản; tăng mức xử phạt hành chính; giãn dân bằng việc đưa ra phí dịch vụ công tương ứng với ba khu vực (nội thành, đang đô thị hóa, đô thị hóa ít). Cùng với đó nên “bỏ hộ khẩu” khỏi điều kiện tuyển dụng, đi đôi với “thu hút nhập cư có chọn lọc” để phát triển TP thành trung tâm dịch vụ và khoa học-công nghệ... PGS-TS VÕ TRÍ HẢO, khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM |