Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh như vậy tại phiên làm việc chiều 20-2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự thảo nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM.
Dự thảo chưa cho thấy tính “đặc thù”
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay về mức thưởng vượt thu, Chính phủ đề nghị TP được hưởng một phần nhưng không quá 30% số tăng thu và không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.
Chính phủ cũng đề nghị mức dư nợ vay của TP không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi, kiến thiết thị chính do TP.HCM quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Chính phủ đề nghị TP báo cáo Chính phủ trình QH quyết định…
Cho ý kiến về dự thảo này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định: “Cả 13 điều của dự thảo này vẫn trong khuôn khổ pháp lý hiện hành, chưa thấy rõ nét về tính đặc thù, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP.HCM”.
Ông dẫn chứng dự thảo quy định một số dự án quan trọng của TP cần thủ tục trình QH thì “không hề đơn giản, vì một năm QH chỉ họp hai kỳ sẽ rất khó khăn”.
Từ đó, chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: “Với những quy định nêu trong dự thảo thì dù nghị định này có được ban hành thì TP.HCM vẫn không có cơ chế nào để khai thác nguồn lực, tăng nguồn thu, chủ động trong chi tiêu, nhất là huy động nội lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Các quy định nêu tại dự thảo không thể hiện được tinh thần của Nghị quyết 16 ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị (về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020)”.
Bí thư Đinh La Thăng: TP đề nghị QH và Chính phủ cho TP chủ động nhất về thu chi trong khuôn khổ để TP thu được nhiều ngân sách hơn, nộp trung ương cao hơn. Ảnh: TTXVN
Đừng để tình trạng “thưởng trên giấy”
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cơ chế đặc thù cho TP có nghĩa là phải hơn rõ rệt so với hiện nay.
Lấy ví dụ về mức thưởng vượt thu dự thảo quy định là TP được hưởng “một phần nhưng không quá 30% số tăng thu”, chủ tịch QH nói: “Đã đặc thù rồi còn “một phần”, lại thêm “không quá” nữa. TP.HCM đã đóng góp 1/3 ngân sách nhà nước nhưng chỉ hưởng 18% mà cái gì cũng không quá, cái gì cũng khung thì không nên”.
Theo đó, chủ tịch QH cho rằng việc thiết lập cơ chế đặc thù cho TP.HCM cần phải lưu ý “TP.HCM là vùng động lực, có nguồn thu lớn, nộp cho trung ương lớn, trên tinh thần đó phải tạo động lực cho TP”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay ông nhất trí mức thưởng vượt thu 30% cho TP nhưng phải có điều kiện thu ngân sách trung ương cũng phải vượt. “Phải có điều kiện thu ngân sách trung ương cũng phải vượt chứ không phải vay hoặc phải cân đối từ nguồn khác, như vậy bội chi và nợ công sẽ tăng lên ngay” - ông Dũng nói.
Trước ý kiến này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phản hồi: “TP rất mong muốn làm thế nào thu ngân sách vượt chỉ tiêu, đóng góp nhiều cho ngân sách, tỉ lệ 30-70 không quan trọng. Có 30% thì ngân sách trung ương đã tăng lên rồi nên không có chuyện bội chi, TP thu có tăng thì trung ương được 70%, còn TP chỉ có 30% thôi”.
Ông Đinh La Thăng cũng cho hay trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị có một điều phê bình TP là không kiên trì đeo bám cơ chế chính sách đặc thù dành cho TP. Nhưng hiện nay TP.HCM đang làm rất quyết liệt, cố gắng tháng 3-2017 sẽ hoàn chỉnh.
“Giờ TP đề nghị QH và Chính phủ cho TP chủ động nhất về thu chi trong khuôn khổ để TP thu được nhiều ngân sách hơn, nộp trung ương cao hơn. Thứ hai, đề nghị thưởng 30% và không phụ thuộc vào cả nước, vì nếu phụ thuộc vào thì lại như năm năm trước, vượt thu nhưng cả nước không cân đối được nên TP không được thưởng. Như vậy gọi là thưởng nhưng thực chất chỉ thưởng trên giấy thôi, không mang tính động viên” - Bí thư Thăng nói.