Ngày 11-5, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá hiện trạng và đề xuất toàn diện quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt TP Đà Nẵng.
Hệ thống thoát nước nhiều bất cập
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam, là TP ven biển miền Trung, Đà Nẵng đang đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu phức tạp. Đặc biệt trong những năm gần đây, mưa cực đoan ngày càng tăng.
Ngập lụt đô thị trên diện rộng qua hai đợt mưa lớn vào tháng 10-2022 và tháng 10-2023 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tài sản của người dân Đà Nẵng. Qua đó, TP nhận thấy rõ được bất cập về cao trình, hệ thống thoát nước.
Ông Nam cho hay, một trong những giải pháp trọng tâm, then chốt mang tính chất ổn định lâu dài để giải bài toán ngập lụt đô thị là hoàn thành, phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị TP đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Đồ án do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP thực hiện, dự kiến hoàn thành trong tháng 7-2024 trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các quy hoạch liên quan.
Hội thảo nhằm tổng hợp, đề xuất các giải pháp, hoàn thành, phê duyệt đồ án đảm bảo tiến độ để làm cơ sở kịp thời thực hiện các dự án trọng điểm, ưu tiên khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị trên địa bàn TP.
Theo dự thảo đồ án, đối với Đà Nẵng, việc san lấp sẽ không thể đáp ứng được với tần suất lũ 1% (mưa lũ cực đoan 100 năm xuất hiện một lần). Nhiều khu vực dọc bờ sông cũng không thể đáp ứng được tần suất 5% (20 năm xuất hiện một lần).
Đồ án đưa ra giải pháp san nền với tần suất lũ 5% và xây dựng kè chống lũ với tần suất lũ 1%, kết hợp trạm bơm chống ngập.
Tuy nhiên đối với khu vực Hòa Vang, việc quy hoạch đô thị dọc hai bờ sông sẽ làm cho mực nước sông dâng cao, khó đáp ứng được tần suất lũ 5% hay 1%. Việc san lấp lên 5% hay 1% cũng sẽ làm lũ gia tăng nhiều ở thượng lưu.
Cần hơn 7.200 tỉ đồng
Theo dự thảo đồ án, tổng thể các dự án đầu tư mà Đà Nẵng cần có để giải bài toán ngập lụt đô thị cần kinh phí hơn 7.200 tỉ đồng.
Tiến sĩ Tô Thúy Nga, Khoa Xây dựng công trình thủy – Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (đại diện đơn vị tư vấn) cho hay, TP đã đầu tư nhiều tuyến cống, phát huy một phần chống ngập.
Tuy nhiên một số tuyến cống do địa hình thực tế đã không đảm bảo đúng kích thước trong quy hoạch cũ như tuyến Xuân Hà - Tam Thuận, tuyến Khe Cạn.
Tư vấn đề xuất Đà Nẵng ưu tiên đầu tư các dự án trong điều kiện ngân sách cho phép như: Tuyến cống Mẹ suốt - Phùng Hưng, Hồ Quý Ly, Hà Huy Tập.
Hệ thống thoát nước lưu vực xung quanh sân bay. Tuyến cống khu vực Lê Đình Lý – hai hồ Vĩnh Trung – Thạc Gián ra cống Ông Ích Khiêm và mở rộng cống ra Thuận Phước. Đồng thời chuyển đổi thêm chế độ tự chảy cho một số trạm bơm.
Bà Nga kiến nghị Đà Nẵng cần xem xét tác động ảnh hưởng lũ khi san nền cũng như xây dựng đê bao để đáp ứng tần suất lũ 5%, 1% khi xem xét quy hoạch các khu đô thị Hòa Vang.
Đà Nẵng cần xây dựng quy trình vận hành của các hồ điều hòa cũng như đầu tư các trạm đo mực nước cửa van. Các hồ điều hòa cần vận hành tự động hóa hơn.
Ngoài ra, Đà Nẵng cần bổ sung kinh phí khảo sát và thực hiện các mô phỏng thủy lực nhằm đưa ra được con số tin cậy hơn. Mực nước từ các trạm đo trên sông ở Đà Nẵng hiện chỉ dùng để kiểm định mô hình chứ không còn phù hợp khi thống kê tần suất vì nó đã bị ảnh hưởng bởi việc vận hành hồ chứa thượng nguồn.
“Đà Nẵng cũng cần sớm xây dựng bản đồ ngập úng/ngập lụt đô thị cũng như các phương án ứng phó”, bà Nga đề nghị.
Kết luận hội thảo, ông Lê Quang Nam giao Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng tiếp thu, giải trình ý kiến chuyên gia, làm cơ sở để hội đồng khoa học của TP thông qua đồ án này.