Ban quản lý (BQL) dự án Thăng Long vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1), theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có điểm đầu dự án trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: VŨ HỘI |
Theo đó, BQL dự án Thăng Long đề xuất đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú với tổng chiều dài khoảng 60,1 km. Điểm đầu dự án trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, điểm cuối tại Km60+100, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú (kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc). Hướng tuyến đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và Tân Phú.
Để bảo đảm hiệu quả đầu tư, BQL dự án Thăng Long kiến nghị, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô bốn làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Thay vì theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô của tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có bề rộng nền đường rộng hơn là 24,75 m.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 8.365 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước hơn 1.300 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư trên 7.065 tỉ đồng (gồm 1.413 tỉ đồng vốn chủ sở hữu và 5.652 tỉ đồng vốn vay thương mại). Với mức phí khởi điểm là 1.700 đồng/km/xe tiêu chuẩn, dự kiến tăng 200-400 đồng/km/xe tiêu chuẩn sau hai năm.
Thời gian thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư dự kiến 20 năm ba tháng (sẽ được xác định cụ thể trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư), hết thời hạn nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Về tiến độ, BQL dự án Thăng Long dự kiến chuẩn bị dự án giai đoạn 2021-2022; lựa chọn nhà đầu tư giai đoạn 2022-2023; giải phóng mặt bằng, tái định cư giai đoạn 2022-2023; thi công xây dựng công trình giai đoạn 2023-2025.
Để dự án sớm hoàn thành, BQL dự án Thăng Long kiến nghị tuyến cao tốc trên được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82 Luật PPP.
Cụ thể, khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính. Ngược lại, khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế.
Theo BQL dự án Thăng Long, việc đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao, rút ngắn thời gian đi lại và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ 20. Đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung.
Ngoài ra, việc đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên kết các tỉnh Đông Nam bộ với khu vực Tây Nguyên. “Do vậy, việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là cần thiết và cấp bách…” - BQL dự án Thăng Long nhấn mạnh.