Trong văn bản vừa gửi đến Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án Thăng Long (QLDA) cho biết đã trình Bộ GTVT phê duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1), theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Hiện nay, Bộ GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận phương án hướng tuyến đi qua rừng phòng hộ Tân Phú. Về cơ bản dự án này không thay đổi khối lượng và hạng mục công trình so với hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đã trình trước đây.
Tuy nhiên, sau khi có ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng về sơ bộ tổng mức đầu tư dự án, trong đó đề cập đến tác động của dịch COVID-19, giá cả thị trường tăng đột biến, Ban QLDA đã chỉ đạo Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cập nhật lại giá cả nguyên vật liệu xây dựng theo báo giá tháng 8-2021.
Theo đó, tổng mức đầu tư xây dựng cao tốc Dầu Giây – Tân Phú hiện nay là trên 7.717 tỉ đồng (tăng lên 900 tỉ đồng), và thời gian hoàn vốn là 20 năm 3 tháng, thay vì dưới 15 năm như báo cáo trước đây.
Theo đề xuất của Ban QLDA, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại Km 1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận xã Dầu Giây, huyện Thống Nhất. Điểm cuối giao cắt với quốc lộ 20, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú.
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 59,6 km được đầu tư hoàn chỉnh quy mô bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Trong đó phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng với quy mô bốn làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17 m, vận tốc khai thác 80 km/giờ.
Tổng mức đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú gần 6.700 tỉ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 1.300 tỉ đồng.
Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư vào cuối năm 2021 và khởi công vào giữa năm 2022, hoàn thành và đưa dự án vào khai thác vào đầu năm 2025.
Hiện Bộ KH&ĐT đang được Thủ tướng giao thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú.