Loạt bài: Toàn cảnh phát triển giao thông Đông Nam bộ - Bài 1

Giao thông đang là điểm yếu của Đông Nam bộ

LTS: Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá những năm gần đây tốc độ phát triển kinh tế của Đông Nam bộ đang có phần giảm. Một trong những nguyên nhân khiến kinh tế vùng này có phần kìm nén là do hạ tầng giao thông kém phát triển.

Để thấy rõ bức tranh toàn cảnh giao thông Đông Nam bộ cũng như kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông của ngành chức năng cho vùng này, Pháp Luật TP.HCM thực hiện loạt bài “Toàn cảnh phát triển giao thông Đông Nam bộ”.

Sơ đồ các dự án cao tốc và vành đai được quy hoạch ở khu vực Đông Nam bộ. Đồ họa: HỒ TRANG

Theo Bộ GTVT, các tuyến kết nối TP.HCM với Đông Nam bộ có năm trục, gồm quốc lộ và cao tốc song hành. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống giao thông này đang quá tải, gây trở ngại cho việc đi lại của người dân cũng như phát triển kinh tế của toàn vùng. Trong khi đó, các dự án được quy hoạch mang tính kết nối liên vùng như cao tốc và vành đai đều đang chậm triển khai.

Các tuyến đường kết nối đều kẹt xe

Theo ghi nhận của PV, một số tuyến đường khu vực cửa ngõ phía đông TP kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương vào những ngày cuối tuần, dịp lễ thường xảy ra tình trạng ùn tắc. Thậm chí có tuyến đường còn kẹt hàng tiếng đồng hồ bởi lượng phương tiện lưu thông quá đông.

Đơn cử, trong ngày đầu nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, khu vực phía đông TP ùn tắc đến mức các phương tiện phải xếp hàng dài trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và các tuyến đường kết nối đi Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng. Thậm chí người đi chơi lễ phải mất hơn 7 tiếng cho 100 km mới tới được tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (thông thường chỉ 2 tiếng). Còn đường lên TP Đà Lạt, Lâm Đồng cũng mất khoảng 17 tiếng (thông thường chỉ khoảng 7 tiếng).

Ông Nguyễn Văn Phú (tài xế xe ôm; nhà ở đường Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức) cho biết: Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên kẹt xe rất nghiêm trọng, kẹt tới nút giao An Phú là đứng chân tại chỗ. Có lần ông đợi khách mất 2 tiếng đồng hồ chỉ vì ùn tắc.

Trong khi đó, khu vực phía tây TP cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hai tuyến đường kết nối các tỉnh miền Tây là cao tốc TP.HCM - Trung Lương và quốc lộ 1 cũng đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân bởi cứ ngày lễ, cuối tuần là kẹt. Tuy nhiên, người dân cũng không có lựa chọn nào khác ngoài hai tuyến đường trên để di chuyển.

Ngoài ra, phía tây bắc TP có tuyến quốc lộ 22, tuyến đường độc đạo kết nối tỉnh Tây Ninh, cũng là nỗi ngán ngại của người dân và doanh nghiệp. Vì là tuyến đường độc đạo nên hằng ngày tuyến đường này đón nhận rất nhiều phương tiện từ xe container, xe tải, ô tô con, xe máy di chuyển. Mỗi ngày, vào giờ tan tầm, khu vực nút giao An Sương hầu như ùn tắc cục bộ bởi xung đột của rất nhiều xe từ các hướng đường Trường Chinh, quốc lộ 1 và quốc lộ 22.

Bà Thu Hằng (nhà ở ấp Trâm Vàng, xã Thanh Phước, huyện Gò Giàu, Tây Ninh) cho biết bà đi từ Tây Ninh xuống nhà bà con chơi mà xe khách từ Tây Ninh xuống TP.HCM phải bò từng chút một mới vào được Bến xe An Sương vì quá ùn ứ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh An Giang, cho rằng giao thông quyết định rất lớn đến doanh thu, sự phát triển của một doanh nghiệp vận tải. Trường hợp thời gian di chuyển kéo dài sẽ dẫn đến chi phí vận tải lớn. Theo đó, khả năng cạnh tranh kinh tế giữa các vùng sẽ không mang lại hiệu quả.

“Toàn bộ hàng hóa khu vực ĐBSCL chủ yếu là nông sản đều được vận chuyển lên TP.HCM và khu vực Đông Nam bộ. Tuy nhiên, đường bộ lúc nào cũng ùn tắc như hiện nay thì nguồn hàng trong nước rất khó cạnh tranh được với thị trường quốc tế” - ông Xuân nhận định.

Nghẽn trên cả ba phương thức đường bộ, đường thủy, hàng không

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng khu vực Đông Nam bộ có tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua vùng này đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế như xu hướng tăng trưởng chậm lại, kết cấu hạ tầng không đồng bộ, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông.

Do đó, để phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025, ngành giao thông cần ưu tiên đầu tư hoàn thành khép kín một số tuyến giao thông liên vùng quan trọng như vành đai 3, vành đai 4. Song song đó là mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trong hội thảo về phát triển giao thông khu vực Đông Nam bộ hồi tháng 11-2020 (tại Vũng Tàu), ông Trần Đình Thiên, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết Đông Nam bộ vẫn tiếp tục là vùng có đóng góp lớn nhất về GDP, ngân sách nhà nước, việc làm và vẫn chứng tỏ tiềm năng - nội lực phát triển vượt trội. Tuy nhiên, giao thông là “điểm nghẽn” nghiêm trọng của vùng và nghẽn trên cả ba phương thức đường bộ, đường thủy và hàng không.

Ông Thiên cho rằng ngành giao thông cần tập trung ưu tiên nguồn lực quốc gia và cơ chế phát triển cho vùng Đông Nam bộ… Chỉ khi được đầu tư xứng tầm, vùng Đông Nam bộ mới thực sự là đầu tàu hiện đại, dẫn dắt vùng và phát huy đúng lợi thế, tiềm năng của mình.

Các dự án đều chậm triển khai

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin: Theo quy hoạch đường bộ, các tuyến kết nối TP.HCM với Đông Nam bộ có năm trục, bao gồm quốc lộ và cao tốc song hành. Tuy nhiên, hiện nay ngoài trục kết nối với các tỉnh phía Bắc (quốc lộ 1 và cao tốc Bắc - Nam) được đầu tư cơ bản theo quy hoạch thì các trục còn lại chỉ khai thác trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ. Còn các dự án đường cao tốc song hành đều chậm triển khai.

Bộ trưởng Thể cũng cho rằng các tuyến vành đai TP.HCM (vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4) cũng chậm đầu tư, không đảm bảo tiến độ theo quy hoạch. Trong đó, tuyến đường vành đai 3 có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giảm tải lưu lượng di chuyển xuyên qua khu vực trung tâm và hỗ trợ kết nối giữa Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, giảm ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ và trục kết nối. Các tuyến giao thông kết nối tới các cửa khẩu quốc tế đều phụ thuộc vào hệ thống quốc lộ hiện hữu (quốc lộ 22, quốc lộ 22B, quốc lộ 13) nên không đáp ứng nhu cầu vận tải.

“Mặc dù hạ tầng cảng biển đã được đầu tư theo quy hoạch nhưng hạ tầng kết nối cảng biển chưa được đầu tư đồng bộ cùng quá trình dịch chuyển vai trò của cảng biển TP.HCM ra khu vực Cái Mép - Thị Vải (đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải chưa kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành). Đó là nguyên nhân làm tăng chi phí vận tải và logistics” - ông Thể cho biết.

Ông Thể cũng cho rằng các trung tâm logistics, ICD, trung tâm phân phối còn phân bố rời rạc, thiếu đồng bộ, hoạt động vận tải đa phương thức gắn với dịch vụ cảng biển còn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Về hàng không, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện chưa triển khai đầu tư nhà ga T3 để nâng công suất thiết kế theo quy hoạch và đang khai thác vượt quá công suất. Trong khi sân bay có vị trí nằm trong khu vực trung tâm đô thị là nguyên nhân gây ra áp lực cho hệ thống giao thông đô thị và tình trạng ùn tắc giao thông.•

Kỳ tới: Ưu tiên nguồn lực đầu tư giao thông Đông Nam bộ

Bộ GTVT đang triển khai xây dựng năm quy hoạch ngành quốc gia (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho vùng Đông Nam bộ. Trong đó có rà soát, đánh giá và đề xuất các dự án cụ thể nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu. 
 

Các dự án cao tốc và vành đai được quy hoạch ở Đông Nam bộ

Theo Bộ GTVT, Đông Nam bộ được quy hoạch với nhiều tuyến cao tốc, vành đai, trong tương lai sẽ tạo kết nối liên vùng thuận tiện.

Cụ thể, cao tốc Biên Hòa - Phú Mỹ - Vũng Tàu (dài 76 km), hiện nay đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ (dài 46 km) vẫn chưa được đầu tư theo quy hoạch.

Còn các tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (dài 55 km), TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (dài 69 km) và Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt (dài 208 km, hiện đang khai thác đoạn Liên Khương - Đà Lạt) cũng đang được nghiên cứu đầu tư. Bộ GTVT đánh giá ba tuyến cao tốc này thực sự cần thiết, cần tập trung đầu tư để hỗ trợ cho các quốc lộ 13, 20 và 22.

Đối với hệ thống đường vành đai, đến nay các dự án vẫn cầm chừng và chưa có mốc thời gian hoàn thành. Cụ thể, vành đai 2 đáng lý theo quy hoạch đến năm 2015 sẽ hoàn thành nhưng hiện chỉ khép kín được 51/64 km (đạt 79,7%). Các đoạn tuyến còn lại (nút giao thông cầu vượt Gò Dưa - cầu Phú Hữu và ngã ba An Lạc - Nguyễn Văn Linh) đang được TP.HCM đầu tư và dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Vành đai 3, theo quy hoạch dài 89 km, quy mô 6-8 làn xe, theo kế hoạch đến năm 2020 sẽ hoàn thành 42 km, tuy nhiên hiện mới đầu tư, khai thác 16 km đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn. Bộ GTVT dự kiến khởi công đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (dài 16,57 km) trong quý III năm nay và tiếp tục bố trí nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 để hoàn thiện khép kín vành đai này. Vành đai 4 dài 198 km, quy mô 6-8 làn xe, hiện cũng đang nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ đầu tư đoạn Long Thành - Phú Mỹ để kết nối với khu vực sân bay Long Thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm