Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1), theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Phó Thủ tướng giao làm Chủ tịch hội đồng.
Nút giao Dầu Giây giữa Quốc lộ 1 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Báo Đầu Tư
Tháng 3-2021, Ban Quản lý dự án Thăng Long có văn bản đề nghị Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn I, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.
Theo đề xuất của Ban Quản lý dự án Thăng Long, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận xã Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại Km59+594, giao cắt với quốc lộ 20, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 59,6km được đầu tư hoàn chỉnh quy mô bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Trong đó phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng với quy mô bốn làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80 km/h. Tổng mức đầu tư dự án hơn 6.600 tỉ đồng.
Ban Quản lý dự án Thăng Long đề xuất đầu tư cao tốc trên theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 1.300 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành dự án nhà đầu tư có quyền thu phí hoàn vốn trong khoảng thời gian dưới 15,5 năm.
Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư vào cuối năm 2021 và khởi công vào giữa năm 2022, hoàn thành và đưa dự án vào khai thác vào đầu năm 2025.
Tại cuộc họp mới đây về dự án này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định việc triển khai đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kết nối khu vực Đông Nam Bộ với TP.HCM.