Hôm nay (5-5), tại Hà Nội, Hội nghị báo chí toàn quốc sẽ bàn nhiều nội dung liên quan đến hoạt động báo chí, trong đó vấn đề được quan tâm là hiện đang thiếu những thiết chế bảo vệ hoạt động tác nghiệp hợp pháp của nhà báo. Bên lề cuộc hội thảo mới đây về tình hình hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Huy Toàn, Trưởng Phòng Thanh tra báo chí, xuất bản - Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, để tìm hiểu rõ thêm về vấn đề này.
Ông Toàn cho biết: Đối với các vụ việc cản trở, đe dọa nhà báo nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, chúng ta đã có chế tài xử lý hành chính rất cụ thể được quy định từ Nghị định số 31/2001. Khi Nghị định số 56/2006 thay thế nghị định 31, điều khoản này vẫn được kế thừa. Cụ thể, Điều 12 Nghị định 56 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin quy định mức phạt tiền đến 10 triệu đồng đối với hành vi cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo… Tuy nhiên, suốt những năm qua, quy định này chưa một lần được áp dụng.
Nhà báo đang tác nghiệp trong một vụ khám xét nhà của quan chức. Ảnh: HTD
Bỏ quên chế tài hành chính
. Ông lý giải vì sao nhiều năm qua vẫn chưa có trường hợp nào cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp bị thanh tra chuyên ngành xử phạt hành chính?
+ Nguyên nhân một phần do hiểu biết pháp luật của chính những chủ thể được bảo vệ. Bản thân rất nhiều cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên cũng không biết đến kênh hỗ trợ này. Vì vậy mà nhiều vụ cản trở (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) xảy ra, họ không thông tin cho cơ quan chức năng biết.
. Vậy muốn được kênh này bảo vệ, các nhà báo, phóng viên phải làm gì, thưa ông?
+ Cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên có thể làm việc trực tiếp, phản ánh với Thanh tra Bộ hoặc Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông. Hoặc có thể đưa vấn đề ra công luận, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tóm lại, làm sao để cơ quan có thẩm quyền tiếp cận được thông tin đó.
. Trường hợp cơ quan thanh tra bằng nguồn thông tin khác, phát hiện sự việc nhưng không có đơn của “bị hại” thì có xử lý theo thẩm quyền không?
+ Nếu có căn cứ rõ ràng thì vẫn xử lý bình thường. Vấn đề nằm ở bản chất của sự việc, hành vi cản trở đó có thực sự xảy ra hay không.
. Nhưng thưa ông, thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh rất nhiều trường hợp nhà báo bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp. Kết quả tới thời điểm này vẫn chưa có trường hợp nào bị xử phạt như ông nói ở trên…
+ Tại hội thảo về “Tình hình hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp”, gần như 100% đại biểu tham dự chỉ bàn về việc xử lý hình sự theo tội danh nào. Tức là khi xảy ra sự việc, tất cả chúng ta đều chỉ nhăm nhăm tới việc xem xét xử lý hình sự.
Thực tế là trong các vụ việc xảy ra đã được thông tin công khai, nhiều vụ việc đi theo hướng này. Đi theo con đường ấy, nếu không xử lý hình sự thì họ xử lý hành chính theo con đường của ngành công an. Nói cách khác, cũng đã có trường hợp xử lý hành chính nhưng xử lý hành chính theo con đường chuyên ngành thì chưa.
Cần hướng dẫn thế nào là cản trở
. Có ý kiến cho rằng thanh tra chuyên ngành xử phạt cơ quan báo chí thì dễ chứ khó mà “đụng” tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Ngay cả việc triệu tập họ tới làm việc đã khó, nói gì tới việc xử phạt?
+ Trường hợp cản trở, hành hung nhà báo, nhiều khi không phải là tổ chức, doanh nghiệp có uy tín trong xã hội mà là cá nhân, thậm chí là những thành phần “bất hảo”…
Đúng là so với những hoạt động xử lý vi phạm hành chính khác, đây là hoạt động tương đối khó, bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố. Trong khi thanh tra chuyên ngành bị giới hạn thẩm quyền trong phạm vi nhất định. Chính vì vậy, trong trường hợp này đòi hỏi phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, gồm cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong trường hợp đối tượng vi phạm đang công tác tại đó, đặc biệt là lực lượng công an cấp phường, xã.
. Theo ông, có cần sửa đổi, bổ sung những quy định hiện hành để bảo đảm tính khả thi trên thực tế?
+ Thực ra các quy định hành vi đã rất rõ ràng. Nhưng về mức phạt thì quan điểm hiện nay có ý kiến cho rằng mức hiện nay là thấp.
. Ông có cho rằng cần làm rõ hơn một số khái niệm trong nghị định, chẳng hạn thế nào là cản trở nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật?
+ Cản trở là một khái niệm rất rộng, cần phải có hướng dẫn cụ thể. Có rất nhiều hành vi cản trở, nếu không được làm rõ thì trong một số trường hợp lực lượng thanh tra chuyên ngành sẽ khó áp dụng trong thực tiễn.
. Xin cảm ơn ông.
Mức phạt sẽ tăng Nghị định 56/2006 hiện hành quy định hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật; hủy hoại phương tiện hoạt động báo chí của nhà báo bị phạt tiền từ 3 đến 7 triệu đồng. Trường hợp có hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Theo dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định số 56 đang được soạn thảo, mức phạt đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo, cản trở nhà báo hoạt động, đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo, hủy hoại, thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu của nhà báo có thể lên tới 30 triệu đồng. |
ĐỨC MINH thực hiện