Cần xử nghiêm người xây kiềng móng trên đất người khác

Đó là trường hợp khó tin nhưng lại xảy ra đối với bà Hồ Thị Mai, người chủ hợp pháp mảnh đất ở thôn Bàu Giêng, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, Bình Thuận.

Bà Mai đã cầu cứu đến chính quyền, xã đã hai lần lập biên bản nhưng mọi thứ vẫn cứ như cũ. Người vi phạm thì vẫn vi phạm, chính quyền thì lại hướng dẫn người dân… khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Một điều ai cũng có thể thấy là người xây kiềng móng nhà trên đất của bà Mai rành rành vi phạm pháp luật. Đây là hành vi lấn chiếm, sử dụng đất bất hợp pháp, bị nghiêm cấm theo Điều 12 Luật Đất đai năm 2013.

Điều 3 Nghị định 102/2014 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai) thì hành vi lấn đất và chiếm đất được định nghĩa như sau: “1. Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất; 2. Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép…”.

Theo đó, hành vi của người xây kiềng móng trên đất của bà Mai được coi là hành vi lấn chiếm đất và sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 10 Nghị định 102/2014. Trong vụ này, căn cứ vào biên bản của UBND xã Thắng Hải lập ngày 5-11-2018, ubnd huyện có thể ra quyết định xử phạt người vi phạm, đồng thời buộc người vi phạm phải tháo dỡ, khôi phục lại tình trạng ban đầu để trả cho chủ đất.

Ngoài ra, sau khi đã bị xử phạt hành chính rồi mà người vi phạm vẫn tiếp tục tái phạm thì cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự người đó theo Điều 228 BLHS 2015.

Ấy vậy nhưng không hiểu vì sao chính quyền sở tại vẫn không có biện pháp xử lý mạnh để trừng trị, răn đe người vi phạm, đồng thời tạo sự yên tâm của người dân rằng quyền và lợi ích chính đáng của người dân luôn được Nhà nước bảo vệ tuyệt đối.

Theo chúng tôi, gia đình bà Mai cần tiếp tục gửi đơn đến cơ quan chức năng tố giác và yêu cầu xử lý người vi phạm. Căn cứ vào đơn của bà, cơ quan chức năng phải tiến hành xác minh và xử lý nghiêm người vi phạm.

Để luật pháp được thượng tôn thì không chỉ chính quyền phải nắm pháp luật mà người dân cũng phải hiểu biết về pháp luật. Người dân biết luật để làm đúng và giám sát cơ quan chức năng. Bởi với người dân, pháp luật chính là lẽ phải, là sự công bằng, là môi trường pháp lý bình đẳng để bảo vệ, giúp người dân yên tâm để an cư lạc nghiệp. Về phía chính quyền, nếu xử nghiêm người vi phạm thì sẽ răn đe được những người khác, đồng thời tạo niềm tin cho nhân dân vào bộ máy bảo vệ pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm