Cần ý kiến chuyên gia cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Ngày 21-11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp nghe Liên danh tư vấn Tedi-Tricc-Tedisouth báo cáo kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

Tại cuộc họp, ông Thể nhận định: “Sau báo cáo cuối kỳ (ngày 12-11 - PV), vẫn còn có các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học băn khoăn về kịch bản đầu tư, phân kỳ đầu tư, căn cứ số liệu, hiệu quả dự án,... Do đó, tư vấn các đơn vị cần tiếp tục nghiêm túc tiếp thu, cũng như huy động trí tuệ của các chuyên gia để xây dựng báo cáo toàn diện, so sánh và phân tích kỹ lưỡng các phương án”.

Bộ trưởng Thể chỉ đạo: “Các kịch bản đầu tư cần được lý giải, làm rõ các nội dung liên quan bằng các số liệu, căn cứ khoa học để chứng minh... Phải giải đáp được băn khoăn của các chuyên gia, bộ ngành, địa phương”.

Ông Thể cũng cho rằng: “Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ GTVT, các đơn vị chức năng cần tập trung thực hiện, cố gắng đảm bảo mục tiêu trình Chính phủ vào tháng 12-2018 và trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10-2019”.

Theo Bộ trưởng, tới đây Bộ GTVT cần tiếp tục tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia để hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi trước khi trình Chính phủ.

Trước đó, trả lời Pháp Luật TP.HCM về dự án này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng đơn vị tư vấn dự án có đưa ra đề xuất vốn tư nhân tham gia dự án từ 10% đến 20%, theo hình thức hợp tác công-tư (PPP). Theo đó, Nhà nước tham gia đầu tư hạ tầng, tư nhân sẽ đầu tư và khai thác đầu máy, toa xe. Tuy nhiên, ngay từ khi nghiên cứu dự án, nhà đầu tư triển vọng sẽ tham gia góp ý để sau này đầu tư hiệu quả hơn.

Liên quan đến vấn đề Nhà nước phải bù lỗ cho dự án thời kỳ đầu, ông Đông khẳng định vấn đề này đã được tư vấn tính tới. “Ví dụ như khoảng 10-12 năm đầu Nhà nước phải bù lỗ cho nhà đầu tư qua chi phí duy tu, bảo dưỡng…” - ông Đông nói.

Theo ông Đông, sau khi dự án có hiệu quả, nhà đầu tư sẽ phải trả tiền thu cho Nhà nước và Nhà nước không hỗ trợ nữa. Điều này đều được tính toán và phân chia rủi ro với nhà đầu tư. Tuy nhiên, phần chi phí khai thác và hỗ trợ của Nhà nước không được đưa vào tổng mức đầu tư do luật hiện hành chỉ tính tới hết giai đoạn đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm