Cảnh báo chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại, lấy cắp tiền

Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về tình trạng SIM điện thoại bị người khác chiếm đoạt dẫn đến việc tiền trong thẻ tín dụng bị mất.

SIM chính chủ nhưng vẫn bị người khác chiếm

Chị ATH (ở Bình Dương) phản ánh ngày 2-3, chị phát hiện điện thoại của mình hiển thị thông báo không gọi được nên đã đến Trung tâm Kinh doanh VNPT Bình Dương để nhờ kiểm tra. Tại đây, nhân viên kỹ thuật cho biết thẻ SIM không bị hư, vẫn hoạt động hai chiều. Đến ngày 4-3, chị đến trung tâm yêu cầu làm lại SIM mới. Sau đó điện thoại hoạt động nghe, gọi bình thường.

Đến ngày 12-3, chị H. đăng nhập vào tài khoản thẻ tín dụng của mình để kiểm tra thì phát hiện tiền trong tài khoản đã bị rút hết dưới hình thức thanh toán mua hàng.

Nghi ngờ thông tin SIM của mình bị lộ trong quá trình làm lại SIM, chị H. đến Trung tâm Kinh doanh VNPT Bình Dương tìm hiểu. Lúc này chị mới biết trong ngày 2-3 có một giao dịch thay SIM của mình tại một trung tâm VNPT ở TP.HCM.

Chị H. cho biết SIM số điện thoại này đã được chị đăng ký chính chủ từ trước đó. Giờ đột nhiên SIM của mình bị người khác đi khai báo rồi chiếm đoạt dẫn đến việc thẻ tín dụng của chị bị mất hơn 58 triệu đồng.

“Trong quá trình giải quyết, đại diện VNPT TP.HCM (nơi xảy ra việc cấp đổi SIM) nói sẽ đồng hành cùng tôi cung cấp thông tin để phục vụ cơ quan điều tra. Họ có tặng tôi thẻ cào trị giá 2 triệu đồng như món quà thể hiện sự đồng hành của họ. Tuy nhiên về việc làm rõ trách nhiệm của Vinaphone trong vụ việc này thì đến nay họ vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng" - chị H. chia sẻ.

Chị ATH bức xúc vì bị người khác chiếm quyền kiểm soát SIM điện thoại nên tài khoản tín dụng của chị bị mất hơn 58 triệu đồng. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Một trường hợp khác là anh Triệu Đức Khải (ở Thái Bình) cũng cho biết ngày 21-4, anh đã làm đơn khiếu nại đến Trung tâm VNPT huyện Thái Thụy, Thái Bình. Nội dung khiếu nại về việc SIM VinaPhone của anh mặc dù đã đăng ký chính chủ nhưng vẫn bị người khác chiếm quyền kiểm soát, dẫn tới việc tiền trong thẻ tín dụng của anh bị mất 35 triệu đồng.

Qua làm việc với VNPT huyện Thái Thụy, xác định được có người đã mạo danh anh thực hiện thủ tục mất SIM và làm lại SIM mới với số thuê bao mà anh Khải đang sử dụng. Người này chỉ kê khai năm số điện thoại gọi đi, đến gần nhất, sau đó được cấp SIM mới.

Chiếm dụng SIM là thủ đoạn để chiếm đoạt tiền

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh quốc tế Athena, cho biết qua hai vụ việc trên cho thấy nếu bất kỳ người nào ra báo mất SIM và chỉ cần cung cấp năm số điện thoại gọi đi, gọi đến gần đây, cam kết quyền chủ sở hữu thuê bao thì được cấp lại SIM mới là không ổn chút nào. Việc này đã tạo kẽ hở cho kẻ gian đánh cắp SIM của người khác, bất lợi cho người dùng SIM chính chủ.

Theo ông Thắng, hầu hết nạn nhân trong các vụ mất SIM đều bị kẻ gian lấy tiền bằng cách thực hiện thanh toán online. Để thanh toán mua hàng online cần có ba yếu tố: Thứ nhất là số điện thoại di động. Chủ thẻ tín dụng phải đăng ký số điện thoại này với ngân hàng để xác thực giao dịch và nhận các thông báo của ngân hàng. Thứ hai là số thẻ (dãy số in trên mặt trước thẻ tín dụng). Thứ ba là mã xác thực OTP (mật khẩu một lần) được gửi qua số điện thoại đã đăng ký với ngân hàng.

Trong các biên bản làm việc và công văn trả lời với chị H. và anh Khải, nhà mạng đã xác nhận việc cấp lại SIM cho người khác là không đúng quy trình. Ảnh: ĐẶNG LÊ.

Sau khi chiếm đoạt được quyền sử dụng SIM, kẻ gian sẽ lấy số thẻ tín dụng của nạn nhân để thanh toán online, sau đó dùng SIM được cấp mới để nhận mã số OTP và hoàn tất thanh toán. Số thẻ tín dụng của nạn nhân đã bị kẻ gian đánh cắp từ trước, việc chiếm đoạt SIM điện thoại chỉ là bước cuối cùng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền.

Cũng theo ông Thắng, không phải ai bị mất SIM điện thoại là sẽ mất tiền trong thẻ tín dụng, trong tài khoản ngân hàng. Chỉ khi họ đã bị lộ thông tin thẻ tín dụng hoặc tài khoản từ trước thì kẻ gian mới có thể đánh cắp tiền. Thông tin thẻ tín dụng của nạn nhân có thể bị lộ trong quá trình giao dịch online trước đó. Nguyên nhân thường do nạn nhân đã điền thông tin vào các trang web lừa đảo, bị cài mã độc vào điện thoại để lấy cắp thông tin thẻ, mở file đính kèm không rõ nguồn gốc hoặc cũng có thể là do các tổ chức tín dụng không đảm bảo an toàn về bảo mật” - ông Thắng chia sẻ.

Trong các biên bản làm việc và công văn trả lời với chị H. và anh Khải, nhà mạng đã xác nhận việc cấp lại SIM cho người khác là không đúng quy trình. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Nân viên nhà mạng làm sai quy trình

Cả hai trường hợp nêu trên, trong quá trình làm việc với khách hàng, nhà mạng đã xác nhận giao dịch viên khi thực hiện thủ tục cấp lại SIM chỉ yêu cầu khách hàng cung cấp năm số điện thoại gọi đi và gọi đến, cam kết quyền chủ sở hữu thuê bao là không đúng quy trình.

Trong văn bản trả lời khiếu nại mới đây của Trung tâm VNPT huyện Thái Thụy, Thái Bình đối với anh Triệu Đức Khải nêu rõ vì sự cố đáng tiếc này Trung tâm VNPT huyện Thái Thụy đã gửi lời xin lỗi tới khách hàng. Những thiệt hại về vật chất mà các đối tượng mạo danh gây ra cho khách hàng, trung tâm sẽ khắc phục và bồi thường tổn thất.

Còn đối với trường hợp của chị ATH, phía VNPT TP.HCM cho biết sẽ đồng hành cùng khách hàng để cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ cho cơ quan điều tra. 

VinaPhone cũng từng phát đi cảnh báo hiện tượng lừa đảo chiếm đoạt quyền kiểm soát SIM thuê bao di động để đánh cắp thông tin mã OTP, sau đó rút tiền từ thẻ tín dụng của khách hàng hoặc vay tiền online. Đồng thời, VinaPhone cũng đã khuyến cáo khách hàng thực hiện các biện pháp nhằm bảo mật thông tin và các lưu ý kèm theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm