Mới đây, tại tỉnh Lâm Đồng phát hiện một trường hợp F1 đã nhờ người khác đi cách ly tập trung thay cho mình.
Trước đó vào tối 2-6, ông D. nằm trong danh sách bị đưa đi cách ly tập trung vì đến từ vùng dịch, theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương.
Đến sáng 4-6, nhân viên trung tâm lấy thông tin cá nhân, khai báo y tế của những người vào cách ly, phát hiện một người khác đi cách ly thay cho ông D.. Ngay sau đó, ông D. bị đưa đi cách ly.
Theo Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương, ông D. đã thỏa thuận với người đi cách ly thay. Khi cán bộ y tế đưa người đi cách ly, những người trên xe đều mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang nên không phát hiện việc tráo người.
Nhiều bạn đọc cho rằng hành vi của ông D. ảnh hưởng rất lớn đến công tác chống dịch hiện nay. Bởi, nếu ông D. mắc bệnh mà không được cách ly thì có thể làm gây lan nguồn bệnh cho nhiều người. Vậy hành vi tráo người để trốn cách ly và hành vi đi cách ly thay cho người khác thì sẽ bị xử phạt ra sao?
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Hành vi gian dối để không thực hiện cách ly y tế của cơ quan có thẩm quyền thì cả người trốn cách ly và người đi cách ly thay đều vi phạm pháp luật.
Cụ thể, tại Điều 11 Nghị định 117/2020 quy định trường hợp từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng...
Trong trường hợp của ông D. mặc dù chưa biết chắc chắn có nhiễm bệnh hay không nhưng ông là đối tượng bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly nhưng đã trốn khỏi nơi cách ly, nếu ông D. làm lây truyền dịch bệnh cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định hiện hành, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly mà trốn khỏi nơi cách ly gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người (Văn bản số 45 của TAND tối cao hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19).
Tùy theo mức độ gây thiệt hại, người phạm tội có thể bị phạt tiền 20 -100 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 12 năm.
Ngoài ra, người đi cách ly thay ông D. mà nếu để lại hậu quả nghiêm trọng như trên thì người này cũng có thể bị xử lý cùng tội danh trong vai trò là đồng phạm với ông D.
Từ trường hợp này, mỗi công dân cần có ý thức tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch để không gây nguy hiểm, rắc rối cho chính bản thân và cộng đồng.
Từ trường hợp này, mỗi công dân cần có ý thức tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch để không gây nguy hiểm, rắc rối cho chính bản thân và cộng đồng.
(PLO)- TP.HCM tiếp tục bổ sung người đi từ huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang về TP.HCM từ ngày 3-5 phải cách ly tập trung.