Ngày 15-8, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) thông tin từ đầu năm 2023 đến nay, BV đã tiếp nhận khoảng tám trường hợp uốn ván sơ sinh. Riêng chỉ trong tháng 7, BV tiếp nhận liên tiếp bốn trường hợp. Trong khi trước đây trung bình một tháng BV chỉ tiếp nhận một trường hợp uốn ván sơ sinh.
Hiểm họa từ việc cắt dây rốn bằng dao lam, tre nứa
TS-BS Phan Tứ Quý, Trưởng khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc trẻ em, BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), cho biết một tháng qua có liên tiếp bốn trẻ bị uốn ván sơ sinh nhập viện. Hiện một bệnh nhi vừa được xuất viện, ba bệnh nhi đang điều trị tích cực, trong đó có hai trẻ thở máy.
Theo BS Quý, Việt Nam đã công bố loại trừ uốn ván sơ sinh từ năm 2005. Tuy nhiên đến nay bệnh uốn ván đang có nguy cơ quay trở lại.
Bệnh nhi đang thở máy là LAV (ngụ Bình Phước). Khai thác bệnh sử cho thấy sau sinh 3 ngày, bệnh nhi nhập BV tỉnh trong tình trạng bỏ bú, cứng hàm, gồng người, được chuyển lên BV Nhi đồng 2.
Sau đó bệnh nhi được chuyển về BV Bệnh nhiệt đới trong tình trạng gồng, suy hô hấp. Tại đây, các bác sĩ (BS) đặt nội khí quản, cho thở máy hỗ trợ hô hấp, điều trị nội khoa tích cực chống co giật và điều trị uốn ván. Hiện bệnh nhi vẫn đang được điều trị tại khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc trẻ em.
Theo BS Quý, bệnh nhi này được sinh ra tại nhà và cắt dây rốn bằng tre nứa. "Việc cắt dây rốn bằng dao lam, tre nứa không đảm bảo vô trùng, từ đó dẫn đến nguy cơ gây nhiễm trùng. Nếu không được chăm sóc kĩ sau sinh, trẻ sinh ra cũng không được tiêm ngừa đầy đủ nên bị nhiễm vi trùng uốn ván” - BS Quý chia sẻ.
Bệnh nhi uốn ván được điều trị tại khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM). Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Một bệnh nhi khác là con bà TN (ngụ Bình Phước) được BV tỉnh chuyển thẳng lên BV Bệnh nhiệt đới. Trước đó trẻ bỏ bú sau sinh 5 ngày, nhập BV tỉnh trong tình trạng gồng cứng người, cứng môi, suy hô hấp.
Tại BV Bệnh nhiệt đới, BS đặt nội khí quản, cho trẻ thở máy, tiếp tục hỗ trợ hô hấp và dùng thuốc chống co giật. Hiện trẻ vẫn đang được điều trị tại khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc trẻ em, tiên lượng khả quan.
Theo BS Quý, bệnh nhi này cũng được sinh ra tại nhà và cắt dây rốn bằng dao lam. Không những cắt dây rốn cho trẻ bằng các dụng cụ không đảm bảo vô trùng mà còn dùng lá cây để đắp lên rốn sau cắt.
"Việc chăm sóc rốn sau cắt không vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn trong môi trường yếm khí phát triển, gây bệnh cho trẻ sơ sinh" - BS này nói.
Không tiêm ngừa uốn ván thai kỳ
BS Quý cho hay, bốn bệnh nhi uốn ván sơ sinh liên tiếp nhập viện này đều là người đồng bào, sinh sống ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu.
"Ngoài việc cắt dây rốn bằng dao lam, tre nứa rồi đắp lá lên rốn, còn nguyên nhân khác gây nên uốn ván sơ sinh là trong mang thai, mẹ của những trẻ này đều không tiêm ngừa thai kỳ. Họ đều còn trẻ nên chưa có nhiều hiểu biết, không chăm sóc thai sản đầy đủ" - BS Quý nhận định.
Quá trình điều trị uốn ván sơ sinh kéo dài lâu hơn gấp đôi người lớn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
BS trưởng khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc trẻ em cho biết thêm, uốn ván tấn công hệ thần kinh tủy sống gây tổn thương dây thần kinh tủy sống dẫn đến co giật và co cứng dây thần kinh. Tình trạng bệnh nặng sẽ gây rối loạn thần kinh thực vật, dẫn đến rối loạn nhịp tim, tăng/tụt huyết áp, nếu không được xử lý phù hợp sẽ gây tử vong.
Quá trình điều trị uốn ván sơ sinh kéo dài lâu hơn gấp đôi người lớn. Vì trẻ sơ sinh miễn dịch kém, khả năng phục hồi hệ thống thần kinh chậm hơn người lớn. Tuy nhiên nếu người lớn mắc phải cũng bị suy hô hấp và đặt máy thở.
“Trước đây trẻ sơ sinh mắc uốn ván có tỉ lệ tử vong cao, khoảng 80-90%. Hiện nay y khoa có đầy đủ phương tiện, máy thở, thuốc chống co giật tốt nên tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong chỉ chiếm 10-20%. Đặc biệt trong hai năm qua, BV không ghi nhận ca tử vong do uốn ván sơ sinh nào” - BS này nói.
Theo đó, di chứng sau điều trị uốn ván sơ sinh thấp. Nếu trẻ được điều trị kịp thời, phù hợp sẽ gần như phục hồi hoàn toàn. Vẫn có một số trường hợp để lại di chứng điếc hay hẹp thanh quản do thở máy trong thời gian dài.
Được biết, chi phí điều trị trung bình một ca uốn ván là hơn 50 triệu, trẻ em nhỏ ký hơn nên sử dụng thuốc ít hơn, chi phí điều trị cũng thấp hơn người lớn. Những bệnh nhi kể trên đều được BHYT thanh toán viện phí.
Thai phụ nên thăm khám đều đặn và có kế hoạch chăm sóc thai sản phù hợp, chích ngừa uốn ván đầy đủ. Sau sinh, nên dùng phương tiện đảm bảo vô trùng để cắt dây rốn và chăm sóc rốn sau cắt phải hợp vệ sinh.
Y tế thôn bản nên tuyên truyền đến người dân về những kiến thức này, giúp người dân nâng cao ý thức về mặt vệ sinh, hạn chế sử dụng biện pháp chăm sóc y tế truyền thống không phù hợp, không khoa học như cắt dây rốn bằng dao lam, tre nứa; đắp lá lên vết thương,…
Đặc biệt, nên tiêm ngừa uốn ván cho trẻ từ tháng thứ 3 sau sinh, và tiêm ngừa đầy đủ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
TS-BS Phan Tứ Quý, Trưởng khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc trẻ em, BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM).