Vụ sạt lở đất làm đổ sụp 16 căn nhà xuống dòng sông Hậu xảy ra sáng 22-4 trên tuyến đường liên xã, tại khu vực tổ 14, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang được người dân nhận định “hồi nào đến giờ” mới thấy.
10 giây kinh hoàng ở Mỹ Hội
Chỉ trong khoảng 10 giây, các căn nhà trên chìm lỉm xuống nước không để lại chút tăm hơi. Theo ước tính của chính quyền sở tại, vụ sạt lở gây thiệt hại khoảng 9 tỉ đồng và phải cần hơn 30 tỉ đồng để khắc phục sự cố này.
Vợ chồng ông Trương Tấn Khương, có nhà cách chỗ bị sạt khoảng 100 m, cho biết ông bà lấy nhau về đây cất nhà ở, con gái năm nay hơn 40 tuổi, đây là lần đầu tiên họ thấy cảnh sạt lở dữ dội như vậy. Còn ông Đỗ Văn Liệt, người dân có nhà bị cuốn trôi sáng 22-4, cho biết trước thời điểm nhà trôi sông ông thấy vết nứt nên ùa chạy ra ngoài và khi ngoảnh nhìn lại thì ngôi nhà của gia đình đã chìm dưới nước. “Tôi thẫn thờ cả ngày đó vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ có ngôi nhà là tài sản đáng giá nhất để bốn người có chỗ ở, giờ coi như mất hết” - ông Liệt nói.
Ngay sau đó, chính quyền địa phương cho di dời khẩn cấp 105 hộ dân đến nơi an toàn, đồng thời xuất ngân sách hỗ trợ những hộ có nhà bị trôi sông và bố trí chỗ ở tạm cho người dân. Có mặt tại hiện trường sạt lở ở ấp Mỹ Hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi cho biết chính quyền tiếp tục di dời những hộ còn nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm do vị trí sạt lở xuất hiện một hố xoáy sâu với chiều dài 380 m, ngang 120 m, sâu 42 m. Tỉnh An Giang ngay trong chiều 22-4 đã ban hành quyết định công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp.
Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM,thực chất khu vực xã Mỹ Hội Đông trước đây đã nằm trong “danh sách đen” cảnh cáo nguy cơ sạt lở. Cơ quan chức năng của An Giang cho biết nguy cơ khu vực sạt lở dài 7.000 m trên tuyến bờ trái sông Vàm Nao, đoạn qua xã Kiến An và Mỹ Hội Đông; trong đó xã Kiến An là nơi xảy ra sạt lở nhiều năm liền và đang tiếp tục bị xâm thực 1-3 m…
Hiện trường vụ sạt lở xảy ra sáng 22-4 cặp bờ sông Hậu tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang. Ảnh: LONG XUYÊN
Sạt lở ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp. Ảnh: TÍN HUY
Hàng trăm hộ dân sống bên bờ vực
Trước đó hai ngày, ngày 20-4, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã ban hành công điện khẩn về tình hình sạt lở bờ sông Tiền tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình. Trước đó nữa, từ ngày 3 đến 8-4, tại ấp Bình Hòa liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở đất với chiều dài khoảng 2.300 m, ăn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến khoảng 200 hộ dân sinh sống và kết cấu hạ tầng, kho bãi của người dân. Đáng chú ý là đoạn sạt lở cách QL30 15-25 m. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối trung tâm tỉnh đi Thanh Bình, Hồng Ngụ và thị xã Hồng Ngự. Người dân địa phương cho biết tình hình sạt lở tại đây rất dữ dội. Một số hộ đã dời đi, còn một số hộ chưa di dời vì không có đất đai nên bám víu ở lại. “Thật sự thì bà con ở đây sợ dữ lắm. Riêng bản thân tôi thì sợ ngày, sợ đêm do gần sông sạt lở, sóng gió này kia, mình đâu biết giờ nào lở, giờ nào không. Do không đất đai nên mình bắt buộc ở đây” - ông Năm Thắng, một người dân ở đây cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cùng ngành chức năng trong buổi khảo sát sáng 22-4 đã đánh giá mức độ sạt lở bờ sông Tiền khu vực xã Bình Thành ngày càng nhanh. Lòng sông phía bờ xã Bình Thành có độ sâu hơn so với phía bờ xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Đáng chú ý là có nhiều vết nứt dọc theo bờ sông và ăn sâu vào trong đất liền 3-5 m, xuất hiện hố xoáy giữa sông. Với diễn biến phức tạp này, ông Hùng chỉ đạo chính quyền địa phương tiếp tục cắt cử lực lượng để theo dõi sát tình hình sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, đồng thời khẩn trương hoàn thành thủ tục xây dựng cụm dân cư để di dời người dân. Hiện khu vực này có khoảng 108 hộ nằm trong khu vực sạt lở.
Khu vườn 2.500 m2 chìm xuống sông
Còn tại Bến Tre, theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM, dọc bờ sông Cửa Đại đoạn qua hai xã Phú Vang và Lộc Thuận, huyện Bình Đại cũng đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Trên tuyến sông này, đoạn sạt lở có chiều dài 3.500 m, có chỗ sạt lở sâu đến 15 m. Tại xã Phú Vang có 55 hộ của hai ấp Phú Hòa và Phú Hưng bị ảnh hưởng.
Hộ ông Nguyễn Văn Tiếp (ấp Phú Hòa, xã Phú Vang, huyện Bình Đại) có 2.500 m2 đất vườn trồng dừa ven sông Cửa Đại. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở ở đây diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng ba năm đã cuốn trôi mất của gia đình ông toàn bộ mảnh vườn trên. Chỉ tay về phía bờ sông, ông Tiếp bùi ngùi cho biết hai năm trước khu vực đất vườn của ông vẫn còn xanh tốt nhưng nay đã biến thành sông. Còn ông Bùi Văn Thành (ấp Phú Hòa, xã Phú Vang) cho biết gia đình có 1.200 m2 đất, sạt lở đã cuốn trôi mất 300 m2 đất. Hộ bà Đào Thị Dứt (ấp Phú Hòa, xã Phú Vang) sống ven sông Cửa Đại là hộ nghèo, chỉ có cái nền nhà để ở. Mấy năm qua, sạt lở khiến căn nhà đang ngấp nghé rớt xuống sông. Tuy nhiên, do không còn đất đai nên bà Dứt không biết trốn chạy đi đâu, đành phải sống bên bờ sông đang từng ngày lở dần.
Ông Phạm Văn Thoàng, Chủ tịch UBND xã Phú Vang, cho biết: “Tình trạng sạt lở tại sông Cửa Đại diễn ra từ năm 2013, đỉnh điểm là vào năm 2016 kéo dài đến nay, đe dọa nhiều nhà ở và kinh tế của người dân”.
Những điểm nóng nguy cơ sạt lở khu vực ĐBSCL cứ dài ra theo dòng sông Tiền, sông Hậu. Trên địa bàn An Giang là khu vực thị xã Tân Châu, TP Châu Đốc, TP Long Xuyên; tỉnh Đồng Tháp là các huyện Châu Thành, Hồng Ngự, Thanh Bình; TP Cần Thơ thêm cù lao Tân Lộc; tỉnh Vĩnh Long là khu vực sông Cổ Chiên, TP Vĩnh Long…
Các tỉnh thi nhau sạt lở Kết quả quan trắc năm 2016 của ngành chức năng tỉnh An Giang thực hiện trên các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, Bình Di, sông Châu Đốc… đã chỉ ra nguy cơ sạt lở bờ sông với 51 điểm với tổng chiều dài trên 162 km. Còn tại Cần Thơ, qua khảo sát toàn TP có 2.424 hộ đang sinh sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, bắt buộc phải bố trí di dời chỗ ở đến nơi ở mới. Hiện nay TP đã có kế hoạch đưa toàn bộ những hộ này đến bố trí ổn định tại cụm, tuyến dân cư tập trung mới hoặc xen ghép cụm, tuyến dân cư hiện hữu. Tại Hậu Giang, trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra sáu vụ sạt lở đất bờ sông trên địa bàn các huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy, Phụng Hiệp với tổng chiều dài 1,1 km, bề rộng 2-5 m khiến hàng ngàn mét vuông đất bị mất. Ở Đồng Tháp có hàng chục điểm nguy cơ sạt lở. Riêng khảo sát thực tế các xã ven sông Tiền thuộc địa bàn huyện Thanh Bình thì hiện có 13 ấp có khả năng sạt lở. Xóa sổ cồn Cả Đôi Cồn Cả Đôi thuộc phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, nằm giữa một nhánh của sông Hậu. Nhìn vào bản đồ địa giới hành chính phường Tân Lộc cũng như bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của quận Thốt Nốt, cồn Cả Đôi vẫn còn hiện diện với loại cây trồng chủ đạo là lúa nhưng trên thực tế cồn Cả Đôi không còn nữa mà đã chìm lỉm giữa dòng sông Hậu. Vào khoảng năm 1960, cồn Cả Đôi có diện tích trên 20 ha với chiều dài trên 4 km. Đến năm 1990, diện tích cồn Cả Đôi chỉ còn vỏn vẹn 6 ha nằm chơi vơi giữa bốn bề sông nước và sau 15 năm (năm 2015), phần đất còn lại của cồn đã bị dòng nước xóa sạch trước sự tiếc nuối của người dân nơi đây. KHÁNH HOÀNG Những con số khủng khiếp Một báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT cho thấy những năm gần đây, trung bình mỗi năm tình trạng sạt lở đã lấy đi 500 ha đất ở vùng ĐBSCL, tốc độ sạt lở dọc theo bờ biển có nơi lên đến 30-40 m/năm. Có 20 điểm đang có diễn biến sạt lở với tổng chiều dài trên 200 km, chiếm khoảng 1/4 tổng chiều dài bờ biển toàn vùng. Hầu hết các tỉnh tiếp giáp với biển đều có tình trạng sạt lở nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là khu vực các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Tình trạng sạt lở bờ sông cũng diễn biến phức tạp. Hiện ĐBSCL có 265 điểm sạt lở với tổng chiều dài sạt lở lên đến 450 km. |