Cảnh báo số ca bệnh lây qua đường tình dục gia tăng

(PLO)- Chuyên gia cảnh báo sự gia tăng các bệnh lây qua đường tình dục cổ điển tưởng chừng bị bỏ quên như giang mai, lậu, chlamydia và HPV.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-12, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tổ chức hội nghị khoa học chủ đề "Nhiễm khuẩn lây qua tình dục".

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STIs) là các mầm bệnh có thể là vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm lây chủ yếu qua đường quan hệ tình dục và một số đường khác ít phổ biến hơn như đường máu, từ mẹ sang con.

Hẹn hò dễ dàng là một phần nguyên nhân gây bệnh

“Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ để lại những hậu quả không thể phục hồi như vô sinh, biến chứng cho thai kỳ, trẻ sơ sinh và gia tăng tỉ lệ nhiễm HIV. Điều này không chỉ gây ra gánh nặng cho hệ thống y tế mà còn có sự kỳ thị, tình trạng bạo lực gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh” - bác sĩ Thúy nói.

benh-lay-qua-duong-tinh-duc2.jpg
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Thúy, xu hướng của các bệnh lây qua đường tình dục sẽ thay đổi theo thời gian. Hiện nay, một số yếu tố tác động như sự phổ biến của các ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội khiến sự kết nối, giao lưu bạn bè trở nên dễ dàng hơn. Từ đó làm gia tăng số lượng bạn tình, kéo theo gia tăng tỉ lệ mắc các bệnh này.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy mỗi ngày có hơn 1 triệu người mắc mới các bệnh lây qua đường tình dục và đa số là không có triệu chứng. Theo số liệu của CDC Hoa Kỳ, năm 2022 có 2,5 triệu ca mắc nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, hai năm sau đại dịch COVID-19, từ năm 2021, số lượng các ca bệnh lây qua đường tình dục đến khám và điều trị ngoại trú cũng có khuynh hướng tăng.

khám bệnh lây qua đường tình dục - 1
Bệnh nhân đến khám nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục tại Bệnh viện Da liễu. Ảnh: BVCC

Các bệnh lây nhiễm cổ điển tưởng chừng đã bị lãng quên tăng trở lại

“Dù tỉ lệ HIV có giảm nhờ sự tiến bộ của y học nhưng tỉ lệ mắc các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục vẫn tiếp tục gia tăng. Đáng lưu ý có sự bùng phát trở lại của một số nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục cổ điển tưởng chừng bị bỏ quên như giang mai, lậu, chlamydia và HPV. Đặc biệt cần lưu ý tình trạng gia tăng nhiễm khuẩn giang mai bẩm sinh” - bác sĩ Thúy cảnh báo.

Cụ thể, hiện thế giới đã ghi nhận có sự gia tăng tần suất mắc giang mai trên những đối tượng quan hệ đồng tính nam. Tại TP.HCM, kết quả giám sát của HCDC cho thấy tỉ lệ mắc giang mai trên những đối tượng quan hệ đồng tính nam có khuynh hướng tăng cao, từ 6,7% (năm 2011) lên 9,3% (năm 2022).

Tại Bệnh viện Da liễu, tỉ lệ nhiễm khuẩn giang mai đứng thứ hai trong mô hình bệnh tật các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục đến khám và điều trị.

Những năm gần đây, bệnh viện cũng ghi nhận một trường hợp giang mai mắt. Bệnh nhân nam vào viện với triệu chứng lâm sàng là sưng đau vùng hốc mắt, kèm theo giảm thị lực tiến triển đến gần như mù hoàn toàn; phát ban toàn thân không ngứa không đau. Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh này dương tính với giang mai và HIV. Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận một ca giang mai vú với biểu hiện lâm sàng là loét đầu núm vú.

Song song với sự trỗi dậy của giang mai, tỉ lệ nhiễm lậu cũng đang có khuynh hướng gia tăng. Đáng chú ý, tỉ lệ mắc lậu ở nam nhiều gấp 3 lần nữ trong thời gian gần đây. Trong đó, đối tượng quan hệ đồng tính nam đã góp phần làm gia tăng tỉ lệ này.

“Tất cả xu hướng này đã tạo ra một thách thức lớn cho ngành y tế trong việc phải chủ động sớm tìm ra giải pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Cần nâng cao nhận thức cộng đồng và cải thiện hệ thống y tế để nâng cao hiệu quả điều trị cũng như hiệu quả kiểm soát phòng ngừa các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục” - bác sĩ Thúy nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm