Cảnh báo tai nạn nguy hiểm từ việc thả diều

(PLO)- Đã có không ít vụ tai nạn liên quan đến thú vui thả diều. Theo bạn đọc, thú vui này nên được kiểm soát chặt hơn để tránh những tai nạn đáng tiếc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những tai nạn do thả diều gây ra đã để lại những hậu quả khôn lường, nó không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề an toàn điện mà nó còn ảnh hưởng đến sức khoẻ, gây thương tích.

Gần đây nhất là trường hợp anh NVL, ngụ tỉnh Bình Dương. Anh NVL đã gặp tai nạn nghiêm trọng và nguyên nhân là do dây diều gây ra. Cụ thể vào ngày 31-10, anh L đang điều khiển xe máy trong khu vực khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM). Khi đến gần cầu Thủ Thiêm 2, anh L bất ngờ bị dây diều quấn vào cổ, tay. Hậu quả anh L bị té và trượt dài. Sau đó, anh được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu. Bệnh viện cho biết anh L bị 1 vết cắt từ cằm phải lên đến góc hàm trái và đứt hoàn toàn gân gấp ngón 3, 4, 5 của bàn tay phải. Sức khoẻ anh tạm thời ổn định.

Vết thương ở cổ của anh NVL.

Vết thương ở cổ của anh NVL.

Người dân lo sợ từ hiểm hoạ thả diều

Qua câu chuyện trên, PLO đã tiếp nhận một số ý kiến bạn đọc.

“Nhà tôi gần khu đô thị mới Thủ Thiêm, mỗi khi di chuyển tôi đều đi đường vòng và hạn chế đến gần khu vực thả diều. Vì bản thân tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn do diều gây ra nên tôi rất sợ, tôi không muốn một ngày nào đó mình trở thành nạn nhân của vấn đề này” - bạn đọc Bảo Hân.

“Dây diều đã từng cắt đứt mặt nạ xe máy của tôi, nhưng may mắn bản thân tôi không bị gì. Nhưng từ sau vụ đó tôi bị ám ảnh và không dám tưởng tượng nếu mình bị dây diều khứa thì sẽ như thế nào. Tôi cũng theo dõi tin tức liên quan đến các nạn nhân bị tai nạn từ diều, thấy những hình ảnh bị dây diều khứa cổ, tay, chân tôi thật sự sợ hãi. Chỉ mong chính quyền có biện pháp để các tai nạn đáng tiếc không xảy ra.” - bạn đọc Thành Quí.

“Em gái tôi trong một lần tình cờ đi ngang khu vực mà mọi người tập trung thả diều thì bất ngờ bị dây diều quấn vào người, khứa một đường rất sâu ở mặt. Đến hiện tại, em tôi vẫn còn ám ảnh vì hậu quả mà tai nạn đó để lại. Nay đọc được thêm thông tin lại có người bị tai nạn do diều tôi càng thêm lo. Rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý để người thả diều phải đảm bảo an toàn cho cộng đồng” - bạn đọc Ái Linh.

Người dân tập trung thả diều ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: HUỲNH THƠ

Người dân tập trung thả diều ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: HUỲNH THƠ

Chơi diều bất cẩn, coi chừng bị xử lý hình sự

Trao đổi với PLO, luật sư Phạm Quốc Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết pháp luật đã có những quy định xử phạt hành chính liên quan đến tai nạn do thả diều gây ra. Tuy nhiên, tùy vào hậu quả của tai nạn mà người gây tai nạn có thể sẽ bị áp dụng các mức phạt khác nhau và cũng có thể sẽ chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp trên, anh NVL bị tai nạn do diều dẫn đến bị thương tích. Luật sư nhận định rằng sẽ chờ đến khi có giám định tỷ lệ thương tật để có căn cứ xác định chế tài đối với người gây tai nạn. Có thể người gây tai nạn sẽ bị xử lý hành chính về hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d, khoản 1, Điều 7 Nghị định 144/2021. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng. Hoặc có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 138, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Theo đó, người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.

Ngoài ra, người gây tai nạn cũng có thể đối mặt với tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người được quy định tại Điều 295, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Mức phạt là bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Luật sư cũng khuyến cáo người dân ngoài những khu vực cấm được quy định, còn lại người dân được tự do lựa chọn địa điểm để thả diều. Tuy nhiên, phải lựa chọn những nơi thích hợp, giữ an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Có thể chọn những bãi đất rộng, những khoảng trống lớn, những nơi ít người qua lại, nơi không có dây diện hay nhà cao tầng, không gần đường,...

Thả diều là một thú vui thư giãn lành mạnh. Tuy nhiên, người chơi cần tìm đến không gian rộng rãi, không vướng dây điện, không tiềm ẩn những rủi ro nguy hiểm như vướng dây diều vào người đi đường...Ảnh: HUỲNH THƠ

Thả diều là một thú vui thư giãn lành mạnh. Tuy nhiên, người chơi cần tìm đến không gian rộng rãi, không vướng dây điện, không tiềm ẩn những rủi ro nguy hiểm như vướng dây diều vào người đi đường...Ảnh: HUỲNH THƠ

Người thả diều tuyệt đối không đến khu vực có không gian chật hẹp, vướng nhà cao tầng, cây cối, nơi có các đường dây tải điện chạy ngang dọc trên không trung, những nơi khu dân cư, đông đúc người qua lại, hay gần đường, gần trường học, trung tâm thành phố,…

Khu vực cấm thả diều

Theo điểm d, khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021 thì người có một trong các hành vi thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, tại khoản 3, Ðiều 4, Nghị định 14/2014 (đã được sửa đổi bởi Nghị định 51/2020) cũng có quy định cấm thả diều, vật bay gần lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện.

Nếu thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (theo điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 134/2013, sửa đổi bởi khoản 18 Điều 2 Nghị định 17/2022 quy định về xử phạt vi phạm quy định về an toàn điện).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm