Cảnh báo tai nạn từ thả diều

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.HCM rất đông người dân đến các khu vực trống thả diều. Tuy nhiên, đã có không ít vụ tai nạn liên quan đến thú vui thả diều xảy ra.

Hàng loạt tai nạn từ việc thả diều

Tối 21-3, anh T. (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đi xe máy trên đường Nguyễn Cơ Thạch hướng từ cầu Thủ Thiêm về đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức).

Khi đến giao lộ với đường Lương Định Của thì anh T. bị dây diều vướng vào cổ. Tai nạn làm anh T. bị vết cứa dài trên cổ, tay cũng bị thương. Nhiều người chứng kiến vụ việc cho biết rất may anh T. chạy khá chậm nên không bị té xe.

Tương tự, trước đó một ngày, ông C. (60 tuổi) chạy xe máy trên đường Điện Biên Phủ đoạn qua phường 21 (quận Bình Thạnh) thì dây diều từ trên trời rơi xuống, làm ông bị cứa hai vết ở cổ.

Cũng trong ngày này, chị N. (32 tuổi) đang chạy xe máy qua khu vực cầu Thủ Thiêm đã bị dây diều vướng vào cổ làm chị té xe trầy xước tay chân, bong gân. Đặc biệt vụ việc đã khiến cổ chị N. bị cứa dài khoảng 12 cm gây chảy máu, khó thở, đau rát.

Trước đó, vào năm 2015, bé Văn Minh Đ. (bốn tuổi) cùng mẹ đến cánh đồng diều ở huyện Hóc Môn. Trong lúc chơi đùa gần cánh diều dài 18 m, bé Đ. đã bị dây diều quấn vào chân, cuốn lên cao rồi rơi xuống khiến bé tử vong.

Còn tại Đồng Nai, vào tháng 2-2015, diều giấy bay qua kéo theo dây và cọc sắt móc vào chiếc ô tô đang chạy. Vụ việc khiến tài xế mất tập trung, đâm vào nhiều xe máy đang dừng đèn đỏ tại ngã ba Dương Tử Giang - Nguyễn Ái Quốc khiến sáu người bị thương nặng.

Cũng vào tháng 3 năm này, trẻ em thả diều tại xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) thì diều đứt dây, vướng vào đường dây hạ thế khiến hàng trăm thiết bị điện, điện tử của gần 200 hộ dân thuộc ấp Ðức Long 2 hư hỏng.

Các nạn nhân bị dây diều cứa cổ khi đang đi xe máy tại TP.HCM thời gian qua. Ảnh: Người dân cung cấp

Cần quy hoạch khu thả diều

Theo ghi nhận của PV, vào các buổi chiều, tại các khu vực Khu công nghệ cao, hầm Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) có rất đông người dân đến thả diều. Quan sát cho thấy người dân thả đủ loại diều nhưng không ghi nhận có các loại diều cực lớn.

Hầu hết người dân đều rất hứng thú với môn chơi này, nhiều người dẫn con em, cặp nam nữ, cả gia đình và có cả người già cũng tham gia chơi thả diều. Các loại diều khi được thả có những nơi người dân đứng xa nhau, cũng có những nơi đứng gần khiến dây diều dễ vướng vào nhau.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn (thả diều tại khu vực Thủ Thiêm) cho biết cả nhà đều mê thả diều. “Thả diều giúp gia đình tôi gắn kết hơn, các con chơi còn tôi với vợ thì ra quan sát, hỗ trợ các cháu. Nó cũng giúp tình cảm vợ chồng, gia đình hạnh phúc hơn” - anh Tuấn nói thêm.

Còn nói về sự cố thả diều có thể gây ra nguy hiểm cho người khác, anh Tuấn thừa nhận là có biết vài trường hợp thông qua báo chí. Tuy nhiên, theo anh Tuấn, đây chỉ là số ít và môi trường TP đông đúc rất khó tránh khỏi mỗi khi diều rơi xuống, dây vướng người đi đường.

Người dân thả diều tại khu Thủ Thiêm vào các buổi chiều.

Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên ngành kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thả diều là môn chơi lành mạnh. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước cần phải tổ chức, quy hoạch khuôn viên chơi để đảm bảo an toàn cho người dân.

PGS-TS Tống nói thêm, ở vùng nông thôn người dân chơi trên những cánh đồng quê, bờ biển. Còn ở nước ngoài, tại các đô thị người dân thả diều trong những nơi đã được quy hoạch, người đến xem và người thả diều đều có không gian.

“Chúng ta phải tổ chức nhiều chỗ, phải có luật lệ hay CLB diều của các xã, quận… thành phong trào thể thao khoa học lành mạnh, vui và an toàn. Đặc biệt, qua đó người không thả diều cũng có thể đến để xem như giải trí, không xảy ra tai nạn mà lại thích thú cho người chơi, người dân” - PGS-TS Tống nói thêm.

Cũng theo PGS-TS Tống, việc người dân chơi diều tự do rất dễ xảy ra trường hợp diều va chạm hay dây diều vướng vào nhau. Từ đó rớt xuống vướng vào người đi đường và xảy ra tai nạn ngoài mong muốn.

Còn theo những người có kinh nghiệm về chơi diều, đối với những con diều lớn thiết kế theo nguyên lý khí động học phải thả bằng dây dù to như ngón tay út và phải được thả tại một khu đất riêng biệt. 

Đặc biệt, người chơi diều phải theo quy tắc “5 không”, đó là không thả diều ở đường dây điện, đường giao thông, sân bay, nơi đông người và gây ảnh hưởng đến môi trường.

Phạt đến 5 triệu đồng khi diều vướng dây điện

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, những năm qua, tổng công ty đã kiểm tra và xử lý nhiều trường hợp người dân thả diều vướng vào lưới điện trung thế làm mất an toàn, có khả năng gây ra chập, cháy và có thể gây mất điện trên diện rộng.

Tổng công ty Điện lực TP.HCM cũng cho biết thả diều hay vật bay vào hành lang lưới điện là hành vi vi phạm về an toàn điện. Khi thả diều gần các đường dây điện rất dễ xảy ra việc diều quấn vào dây, trụ điện dẫn đến chạm chập, cháy nổ, có nguy cơ gây mất điện cũng như gây thiệt hại về người và tài sản.

“Hành vi thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện sẽ bị xử phạt 1-5 triệu đồng” - Tổng công ty Điện lực TP cho biết thêm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm