'Cánh cửa mới' cho bệnh nhân Parkinson ở Việt Nam

(PLO)- Kỹ thuật phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu, giúp các bệnh nhân Parkinson tiết kiệm chi phí và thời gian điều trị.

Cách đây không lâu, BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) tiếp nhận ông NHL (61 tuổi) bị mắc bệnh Parkinson lâu năm với biểu hiện run tay chân, kể cả run môi và lưỡi.

Theo bệnh án, ông L mắc bệnh Parkinson đã hơn 20 năm. Mặc dù liên tục dùng thuốc nhưng bệnh vẫn trở nặng. Không chỉ vậy, ông L còn bị tác dụng phụ của thuốc gây ra như mệt mỏi, loạn vận động, lo âu, hạ huyết áp...

Đàn hát sau điều trị Parkinson

Sau nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ BV Nguyễn Tri Phương quyết định điều trị căn bệnh Parkinson của ông L bằng kỹ thuật phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu.

Sau phẫu thuật, các triệu chứng như run, chậm chạp và cứng đờ của ông L cải thiện rất tốt. Hiện ông L có thể tự làm những công việc hằng ngày.

Các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân Parkinson bằng kỹ thuật đặt điện cực kích thích não sâu. Ảnh: BVCC

Trao đổi qua điện thoại, ông L cho biết suốt 20 năm qua ông thực sự thấy sợ và chán nản vì mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn uống đến vệ sinh đều lệ thuộc vào người khác. May nhờ các bác sĩ tìm ra phương pháp điều trị dứt bệnh Parkinson, ông mới trở về cuộc sống bình thường.

“Tôi rất thích đàn hát nhung phải bỏ dở môn nghệ thuật này do mang trong người căn bệnh Parkinson quái ác. Nay thì tôi có thể vừa hát vừa đàn để thỏa mãn niềm đam mê” - ông L chia sẻ.

Không cần điều trị ở nước ngoài

Kỹ thuật phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu đã chứng minh được hiệu quả trị liệu cho bệnh nhân Parkinson. Kỹ thuật này cũng ghi nhận hầu như không có các biến chứng phẫu thuật, không có những tác dụng phụ khi kích thích điện.

Theo TS-BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Ngoại thần kinh, khoa Y Trường ĐH Y Dược TP.HCM kiêm Trưởng khoa Ngoại thần kinh BV Nguyễn Tri Phương, ông L không phải trường hợp duy nhất được điều trị khỏi căn bệnh Parkinson bằng kỹ thuật phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu. Từ năm 2012 đến nay, tổng cộng 115 bệnh nhân Parkinson đã được điều trị thành công bằng kỹ thuật nói trên.

“Trong đó, 39 trường hợp được thực hiện tại BV ĐH Y Dược TP.HCM và 76 trường hợp mắc Parkinson được thực hiện tại BV Nguyễn Tri Phương. Số bệnh nhân Parkinson được điều trị bằng kỹ thuật phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu tăng dần qua từng năm” - TS-BS Tuấn nói.

80% bệnh nhân thoát tàn phế

Với những bệnh nhân mắc Parkinson 5-6 năm, nguy cơ bị tàn phế rất cao. Phương pháp điều trị mới này giúp gần 80% bệnh nhân thoát khỏi tàn phế, kéo dài chức năng hoạt động của người bệnh thêm 5-6 năm.

TS-BS TRẦN NGỌC TÀI, Phó Trưởng khoa Thần kinh BV ĐH Y Dược TP.HCM

Từ những kết quả đạt được trong việc chữa bệnh Parkinson, TS-BS Tuấn cùng các cộng sự tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM và BV Nguyễn Tri Phương đã xây dựng công trình nghiên cứu có tên “Phẫu thuật kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson”.

Cùng tham gia xây dựng công trình này còn có ThS-BS Nguyễn Anh Diễm Thúy (khoa Nội thần kinh BV Nguyễn Tri Phương).

“Kết quả của công trình nghiên cứu được báo cáo tại nhiều hội nghị khoa học trong và ngoài nước. Điều đáng nói là công trình nghiên cứu này vừa nhận được giải ba (không có giải nhất) giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2023 dành cho lĩnh vực y dược” - BS Thúy chia sẻ.

Công trình “Phẫu thuật kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson” nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2023. Ảnh: BVCC

Theo BS Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), Parkinson là chứng rối loạn vận động, không ít người bị lúc còn trẻ. Trước đây, điều trị bệnh Parkinson chủ yếu bằng thuốc. Đến một thời điểm nào đó, thuốc không còn tác dụng và rơi vào tình trạng “kháng trị”. Nếu tiếp tục sử dụng có nguy cơ ngộ độc thuốc, thậm chí tử vong.

Điều trị bệnh Parkinson bằng kỹ thuật phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu mang lại hiệu quả cao. Trước đây, do BV Nguyễn Tri Phương chưa triển khai kỹ thuật này nên bệnh nhân Parkinson phải ra nước ngoài điều trị với chi phí rất cao. Nay thì bệnh nhân Parkinson yên tâm điều trị tại BV với chi phí phù hợp và mau được cải thiện.

Trong khi đó, TS-BS Trần Ngọc Tài, Phó Trưởng khoa Thần kinh BV ĐH Y Dược TP.HCM, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết hiện êkíp của BV ĐH Y Dược TP.HCM và BV Nguyễn Tri Phương đang chuyển giao kỹ thuật này cho BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Sau miền Bắc, sắp tới có thể chuyển giao kỹ thuật cho khu vực miền Trung như BV đa khoa Đà Nẵng, khu vực miền Tây Nam Bộ như BV đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Phương pháp tiến bộ trên thế giới

Phẫu thuật kích thích não sâu (Deep Brain Stimulation - DBS) điều trị bệnh Parkinson là một kỹ thuật phẫu thuật sọ não nhằm cấy các điện cực được chế tạo tinh vi vào cấu trúc cụ thể nằm sâu trong não. Điện cực được nối với một dây dẫn ra khỏi hộp sọ gắn vào bộ pin phát xung. Giống như máy tạo nhịp tim, dòng điện khi được kích hoạt sẽ theo dây dẫn vào điện cực, phát ra các xung điện kích thích theo lập trình, giúp điều biến tín hiệu hoạt động tế bào thần kinh.

DBS là một trong những phương pháp tiến bộ nhất trên thế giới được khuyến cáo sử dụng trong điều trị bệnh. DBS lần đầu tiên được triển khai thành công tại Việt Nam vào năm 2012 dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Pháp. BV Nguyễn Tri Phương và BV ĐH Y Dược TP.HCM là hai trung tâm đầu tiên áp dụng kỹ thuật hiện đại.

DBS đang được mở rộng áp dụng trong một số bệnh lý khác như loạn trương lực, run vô căn, động kinh, trầm cảm…

TS-BS PHẠM ANH TUẤN,
Trưởng khoa Ngoại thần kinh BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới