Cảnh giác bẫy “gác tranh chấp, cùng khai thác”

Ngày 31-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du lại tiếp tục khẳng định việc tàu hải giám của họ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 26-5 là “hoàn toàn hợp lý” và còn tuyên bố: “Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm chủ quyền của chúng tôi và tránh tạo ra những sự cố mới”. Cần nhìn nhận những phát ngôn đổi trắng thay đen, làm sai bản chất sự việc của phía Trung Quốc như thế nào? Pháp Luật TP.HCM tiếp tục trao đổi với chuyên gia nghiên cứu về biển đảo Đinh Kim Phúc.

Ông Đinh Kim Phúc khẳng định: “Về mặt địa lý lẫn luật pháp quốc tế, Trung Quốc không có lý do gì để kéo dài thềm lục địa của họ theo đường lưỡi bò. Việt Nam cần phải liên kết chặt chẽ với các nước trong khu vực để phản đối, gây sức ép bằng cách đặt vấn đề tranh chấp này trong các cuộc đàm phán trong quan hệ song phương lẫn diễn đàn đa phương, tạo tiền đề cho việc đưa vấn đề ra tòa án quốc tế”.

Tuyên bố của Trung Quốc không có gì mới

. Ông đánh giá thế nào về những phát ngôn bóp méo sự thật của phía Trung Quốc?

+ Thực ra những lời tuyên bố của phía Trung Quốc không có gì mới. Vào tháng 2-1992, Trung Quốc đặt ra Luật về lãnh hải và vùng nước tiếp giáp của nước CHND Trung Hoa. Điểm đáng lưu ý là Điều 14 luật này quy định: “Trung Quốc có quyền truy đuổi tàu bè nước ngoài vi phạm luật pháp Trung Quốc” và “giữ quyền truy đuổi ở vùng biển nằm ngoài lãnh hải Trung Quốc”; “việc truy đuổi được thực hiện bởi những lực lượng quân sự như tàu chiến, máy bay của quân đội hay tàu bè, máy bay được chính phủ trao quyền chấp hành công vụ”.

Khi quy định như vậy, luật này đã lờ đi những gì mà Trung Quốc đã cam kết khi tham gia Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS 1982).

Việt Nam không chấp nhận bất kỳ hành động nào xâm phạm đến chủ quyền biển đảo của mình. Trong ảnh: Lễ chào cờ trên nhà giàn DK1. Ảnh: TB

. Trung Quốc đang cố tình làm dư luận hiểu sai khi kéo vấn đề xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vào vấn đề tranh chấp trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Ông có thể phân tích để làm rõ vấn đề này?

+ Trên biển Đông hiện đang tồn tại nhiều mối quan hệ tranh chấp giữa các nước và vùng lãnh thổ. Trước hết là tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thứ hai, tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa là tranh chấp đa phương giữa Việt Nam với Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei. Thứ ba, việc tuyên bố đường lãnh hải lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông (chiếm 80% diện tích trên biển Đông) là một yêu sách vô lý, bất chấp luật pháp quốc tế, hòng độc chiếm biển Đông.

Do đó để giải quyết vấn đề biển Đông, chúng ta cần phải xác định nội dung và lộ trình cho các biện pháp đấu tranh theo thứ tự ưu tiên. Đầu tiên cần phải đấu tranh về mặt luật pháp quốc tế để bác bỏ chủ trương lãnh hải theo đường lưỡi bò của Trung Quốc là bất hợp pháp.

Ngoài việc Việt Nam đã cung cấp hồ sơ về lãnh hải của Việt Nam cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (CLCS) đúng thời hạn, chúng ta cần tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế với các nước Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei cùng thống nhất quan điểm công bằng và hợp lý về việc phân định lãnh hải.

Về dài hạn là củng cố quốc phòng, liên minh chiến lược, diễn tập chiến thuật chung với các nước trong khu vực và quốc tế có cùng chung quyền lợi. Tiến đến việc đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ra tòa án quốc tế để ngăn ngừa trường hợp Trung Quốc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Cẩn thận tránh lọt bẫy

. Trung Quốc đưa ra nguyên tắc “gác tranh chấp, cùng khai thác” để đàm phán với các nước có tranh chấp trên biển với họ. Ông bình luận gì về quan điểm này?

+ Chủ trương này nghe qua có vẻ hòa hoãn nhưng thực chất đây là một xu thế tấn công trên bàn đàm phán, trong khi chờ “điều kiện chín muồi” để sử dụng sức mạnh.

Theo các chuyên gia về Trung Quốc ở Nhật, Trung Quốc một mặt chủ trương “giải quyết hòa bình” cuộc tranh chấp nhưng mặt khác lại củng cố chiếm cứ bằng sức mạnh quân sự; đàm phán song phương với nước có yêu sách về chủ quyền, phản đối việc giải quyết bằng thương lượng đa phương. Mặt khác, Trung Quốc đưa ra chủ trương “cùng nhau khai thác” tài nguyên đáy biển, “gác lại” vấn đề lãnh thổ với tiền đề Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo nhỏ, dãy đá ngầm khác là của Trung Quốc, với việc khư khư lập trường xem biển Đông là vùng biển “mang tính lịch sử”. Nói là “giải quyết hòa bình” để “cùng khai thác” bằng cách “gác lại tranh chấp” nhưng chính Trung Quốc là nước thực quyền chi phối các quần đảo này.

Vì vậy, nếu chấp nhận đàm phán với Trung Quốc theo phương thức này là lọt bẫy của họ; là thừa nhận một tiền đề nguy hiểm là Trung Quốc có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.

. Xin cảm ơn ông.

MINH CƯỜNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới