Thời gian gần đây, tình trạng trộm cắp xe máy có chiều hướng gia tăng. Lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân, chỉ trong vài phút, thậm chí vài giây, các đối tượng trộm cắp có thể bẻ khóa lấy trộm xe máy và rồ ga tẩu thoát.
Có thể nói, do dễ tiêu thụ nên xe máy luôn nằm trong tầm ngắm của bọn tội phạm. "Con mồi" của chúng không chỉ là xe máy dựng sơ hở ở lòng, lề đường, cửa hàng, quán xá... mà còn trong nhà, thậm chí tại bãi giữ xe.
Một số hành vi
Lợi dụng các gia đình có nhiều xe máy để ở tầng 1, ngủ ở tầng 2, ban đêm bọn tội phạm thường chọn lúc mọi người ngủ say để dùng công cụ cắt phá khoá cửa vào bên trong lấy cắp xe máy và đồ đạc.
Đã có những vụ chúng lấy bạt che cửa bên ngoài làm cho mọi người xung quanh cứ tưởng là nhà đang sửa chữa nên không để ý, bên trong bọn chúng tha hồ cạy phá khoá. Đôi khi chúng phá cửa tum, cửa kính rồi chui vào trong nhà tìm chìa khoá mở cửa chính để lấy xe và các đồ đạc khác.
Các đối tượng thường đột nhập từ 12 - 13 giờ, lúc mọi người đang ngủ trưa. Vì chủ quan, gia chủ để xe trước sân nhà hoặc phía trong nhưng không khóa cửa, không người trông giữ nên chúng dễ dàng mở khóa cổng, phá khoá để lấy cắp xe.
Chúng cũng dùng bàn trượt patin cho vào chân chống xe (với các loại xe đã khoá càng, khoá cổ) để chuyển xe đến chỗ khuất cho tiện phá khoá.
Thời điểm tiếp theo là từ 0 giờ đến sáng, mục tiêu của các đối tượng là những căn hộ cho thuê, xe của người thuê để cùng một chỗ, chỉ khóa cửa, không người trông coi hoặc chủ nhà để xe dưới tầng trệt nhưng lại ngủ trên lầu.
Kẽ hở của những căn hộ hay khu trọ là do có nhiều người ở, đi làm giờ giấc khác nhau nên mỗi người có một chìa khóa riêng để tự mở cửa nhà.
Bên cạnh đó, chủ nhà hay để một khoảng trống ở cửa để thò tay vào mở khóa, chính lỗ trống này đã giúp trộm dễ dàng bẻ khóa.
Mặt khác, khá nhiều nhà có cửa kính trong suốt, bên ngoài có thể nhìn vào thấy rõ xe để ở bên trong. Muốn phòng trộm dạng này phải che cửa kín đáo và bố trí người chốt, khóa phía bên trong trước khi đi.
Ngoài ra, bọn trộm cắp xe máy cũng thường giả làm khách đi vào các cơ quan, đơn vị có nhiều người ra, vào cơ quan công tác, nhất là những cơ quan, đơn vị không có bảo vệ, không tổ chức trông giữ xe máy để gây án.
Bọn chúng thường có 2 đối tượng, một đối tượng đưa xe máy của chúng vào để gần sát cạnh những xe chúng định đánh cắp nhằm che mắt mọi người, rồi nhanh chóng dùng dụng cụ phá khoá điện, khoá cổ xe. Tiếp đó, đối tượng thứ hai giả làm khách đến liên hệ công tác xong rồi xuống lấy xe đã được phá khoá mang ra ngoài.
Đối tượng trộm còn lẻn vào trụ sở cơ quan, doanh nghiệp vào thời điểm nhân viên, người lao động đi ăn cơm trưa hoặc vào ban đêm khi nhân viên bảo vệ mệt mỏi, lơ là, mất cảnh giác. Các đối tượng còn móc nối với người trong cơ quan nên rất dễ dàng trộm cắp tài sản.
Đối tượng trộm cắp xe máy cũng đi bộ hoặc dùng xe máy chở nhau đi dọc các tuyến đường giao thông, các khu dân cư, trụ sở làm việc của các cơ quan... để quan sát. Khi phát hiện chủ xe để quên chìa khoá trên xe, xe không khoá càng, vắng người… chúng lập tức thực hiện hành vi trộm cắp.
Chúng cũng thường lân la ở những địa bàn trọng điểm, địa bàn công cộng như cửa hàng, chợ, bến xe, công sở… để quan sát theo dõi và lợi dụng tình trạng xe để lộn xộn vì không có nơi coi giữ hoặc có nơi giữ xe nhưng để xe không đúng nơi quy định, không khoá hoặc khoá không đảm bảo chắc chắn, thiếu sự giám sát rồi nhanh chóng thực hiện hành vi trộm cắp.
Đối tượng trộm cắp xe máy còn lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ nhà hoặc của khách khi để xe trước cửa nhà. Chỉ cần khoảng 3 giây, trộm có thể mở khóa những chiếc xe máy đó.
Một số vụ sau khi mở được khoá xe máy chúng còn chèn hoặc khoá cửa ra vào nhằm ngăn chặn sự đuổi bắt của chủ xe. Sau khi lấy được xe máy, bọn phạm tội thường nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường, đến chỗ vắng người liền tháo bỏ biến số xe, lắp biến số giả đem xe đi cất giấu hoặc tiêu thụ.
Đối tượng trộm cắp xe máy cũng lợi dụng để thực hiện hành vi trộm cắp trong những cuộc hội họp, đám cưới đông người, xe máy thường để lộn xộn và công tác quản lý mất cảnh giác, chúng trà trộn vào và thực hiện hành vi trộm cắp, mặc dù xe có khoá cổ.
Có thể nói, tất cả các xe máy chỉ cần có yếu tố sơ hở đều có thể lọt vào "tầm ngắm" của kẻ gian, bất kể trong bãi giữ xe hay trong nhà.
Cách để nhận diện những tên trộm xe máy là quan sát ngoại hình và hành vi của chúng.
Các đối tượng có 2 loại trang phục, một là bịt kín từ đầu đến chân để tránh bị nhận dạng, hai là mặc đồ rất lịch sự để phân tán sự chú ý của người xung quanh.
Chúng thường dáo dác dòm ngó một cách rất bất thường. Khi phát hiện các dấu hiệu trên, người dân phải thật chú ý đến tài sản của mình.
Công an cảnh báo
Để chủ động phòng ngừa trộm cắp tài sản nói chung và trộm xe máy nói riêng, Công an quận 12 khuyến cáo người dân luôn nâng cao cảnh giác trong bảo vệ tài sản, tích cực phòng ngừa, không để xảy ra sơ hở, thiếu sót, đồng thời chủ động thực hiện một số biện pháp sau:
Tuyệt đối không để xe bừa bãi ở nơi công cộng, vỉa hè, lòng đường, nơi khuất tầm nhìn, vắng người qua lại dù chỉ rời xe một vài phút cũng nên cẩn thận khoá cổ, khóa càng xe. Nếu có điều kiện thì nên gửi vào nơi trông giữ để tránh trường hợp có những việc đột xuất xảy ra ngoài kế hoạch phải đi lâu hơn dự định.
Không để giấy tờ xe hay các giấy tờ quan trọng, tài sản có giá trị trong xe khi rời khỏi xe.
Phải lắp khoá chống trộm xe máy, trang bị thêm dây cáp xích chống trộm hoặc thiết bị định vị xe máy và sử dụng nó khi để xe ở nơi công cộng.
Không nên mua bán, cầm cố xe không rõ nguồn gốc, không có đăng ký xe hoặc có đăng ký nhưng không chính chủ.
Ngoài lực lượng bảo vệ, các cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh doanh cần bố trí lắp đặt các bảng cảnh báo phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản; nâng cao chất lượng hệ thống camera an ninh, ghi nhận được hình ảnh rõ nét phục vụ khi cần thiết...
Khi mất xe máy, mất giấy tờ đăng ký xe hoặc phát hiện đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, người dân cần nhanh chóng trình báo đến cơ quan công an gần nhất để được giúp đỡ, xác minh, điều tra, truy bắt thủ phạm kịp thời.