Cánh quạt điện gió ló qua đất dân: Quy định về khoảng không trên đất ra sao?

Trên số báo hôm qua, 21-2, Pháp Luật TP.HCM đã giới thiệu những xung đột, tranh chấp giữa các hộ dân với các nhà đầu tư điện gió ở thị xã Vĩnh Châu, huyện Sóc Trăng. Theo đó, người dân cho rằng cánh quạt điện gió chìa qua phần đất của mình khiến đời sống, sản xuất bị ảnh hưởng, tôm, cua, cá bị thiệt hại… nên đã phản ứng, yêu cầu bồi thường.

Hình minh họa

Từ những tranh chấp trên đây, nhiều bạn đọc thắc mắc pháp luật hiện hành quy định ra sao về khoảng không và lòng đất theo ranh đất, quyền và nghĩa vụ của chủ đất đối với khoảng không trên đất mình thế nào…

Số báo này, chúng tôi giới thiệu ý kiến của hai chuyên gia xung quanh quy định thiết thân đối với người sử dụng đất này.

TS PHẠM VĂN VÕ, Phó Trưởng Khoa luật thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM:

Muốn sử dụng không gian phía trên thì phải thỏa thuận với dân

Khoản 2 Điều 175 BLDS năm 2015 quy định: “Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác…”.

Mặt khác, theo khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất có nghĩa vụ “sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Trong trường hợp này, chủ đầu tư (CĐT) thuê đất để xây dựng các trụ điện gió bắt buộc phải có nghĩa vụ sử dụng đất theo đúng ranh giới. Nếu muốn sử dụng không gian phía trên thuộc quyền sử dụng đất (QSDĐ) của người dân thì phải có sự thỏa thuận để xác lập quyền bề mặt.

Nếu CĐT không có sự thỏa thuận để thuê quyền bề mặt của người dân và gây thiệt hại thì đây là hành vi xâm phạm QSDĐ hợp pháp của người khác và bắt buộc phải bồi thường theo quy định của BLDS.

Vấn đề bồi thường trong vụ việc này là bồi thường phát sinh trong quá trình sử dụng đất chứ không phải là bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Lẽ ra khi làm dự án này, cần thu hồi toàn bộ vùng đất mà cánh quạt gió hoạt động nhưng lại thu hồi với diện tích nhỏ hơn, dẫn đến hậu quả đáng tiếc như đã thấy.

Đây là hạn chế trong việc xác định diện tích đất cần thu hồi để làm dự án điện gió. Ngay trong quá trình lập dự án đã không đảm bảo rồi, nên giờ mới phát sinh vấn đề sử dụng không gian phía trên đất thuộc quyền sử dụng của người khác.

Có sự tắc trách của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở đây hay không? CĐT thỏa thuận bồi thường nhưng lại không cho bồi thường, có thể có sự nhầm lẫn ở đây chăng!

Xin nhắc lại, vụ này là bồi thường phát sinh trong quá trình sử dụng đất chứ không phải là bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Do đó, CĐT sẽ thỏa thuận bồi thường với người dân, nếu người dân không đồng ý với mức bồi thường thì sẽ khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của BLDS.

Sao lại ngăn chủ đầu tư thương lượng với dân?

Việc các cơ quan nhà nước cho rằng CĐT tự ý hỗ trợ cho người dân mà không tham vấn những cơ quan này là sai luật. Thực chất các bên mong muốn thương lượng, thỏa thuận, cơ quan quản lý lại không cho phép họ thực hiện điều đó là hoàn toàn không đúng.

Do đó, văn bản chứa đựng nội dung trên cần phải rõ ràng, chi tiết và được gửi đến không chỉ CĐT mà cả người dân bị thiệt hại để các bên nắm rõ quy định của pháp luật, tránh việc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết.

ThS PHAN THỊ HƯƠNG GIANG 

ThS PHAN THỊ HƯƠNG GIANG, giảng viên Khoa luật kinh tếTrường ĐH Kinh tế - Luật:

Nếu không thương lượng được thì khởi kiện

Trước hết, cần xác định quyền đối với khoảng không trên đất (mặt nước, lòng đất) của chủ thể không có QSDĐ được thừa nhận và bảo vệ theo Điều 267 BLDS.

Theo đó, quyền này được xác định là quyền bề mặt khi chủ thể có QSDĐ chuyển giao mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền bề mặt theo Điều 269 BLDS. Do đó, để xác định một chủ thể có quyền bề mặt hay không thì phải căn cứ vào các quy định trên.

Thứ hai, đối với việc xây dựng các công trình điện gió thì phải tuân thủ theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014.

Đối chiếu với các quy định về quyền bề mặt trong BLDS, cần xác định hành vi của CĐT có phải là xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hay không. Bởi đây là một trong những hành vi bị cấm theo khoản 11 Điều 12 Luật Xây dựng năm 2014.

Thứ ba, việc các công ty khai thác điện gió gây thiệt hại cho người dân nếu đủ căn cứ thì phải bồi thường thiệt hại theo chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, quy định trong BLDS.

Nếu có đủ căn cứ, người dân có quyền khởi kiện chủ thể gây thiệt hại đến TAND có thẩm quyền. Trong trường hợp người dân chưa muốn khởi kiện thì có thể thương lượng, thỏa thuận với chủ thể gây thiệt hại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Để có được quyền bề mặt thì cần có sự đồng ý của người dân. Do đó, CĐT có thể kết hợp giải quyết các vấn đề trên cùng một lúc thông qua việc thương lượng với người dân để tìm tiếng nói chung.

Trường hợp các bên không thể thương lượng thì có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp để giải quyết tranh chấp. Người dân không nên thực hiện những hành vi tấn công như trong vụ việc này để tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.

 

Diễn tiến sự vụ tranh chấp từ cánh quạt điện gió

Thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng hiện có 21 dự án điện gió đã và đang triển khai thi công với hàng trăm trụ điện gió mọc lên khắp nơi trên dãy đất liền ven biển. Nhiều dự án bị người dân phản ứng vì cho rằng cánh quạt điện gió chìa qua phần đất của mình khiến đời sống, sản xuất bị ảnh hưởng; tôm, cua, cá bị thiệt hại…

Người dân đã đưa ra các yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng nhiều nhà đầu tư không đáp ứng được, dẫn đến xung đột xảy ra. Đã có 15 người dân bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ; nhiều cán bộ công an, bảo vệ, kỹ sư, công nhân thi công điện gió bị đánh trọng thương…

Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Hiện ông được tỉnh chỉ đạo phối hợp với thị xã Vĩnh Châu thực hiện các cuộc đối thoại với người dân. Quan điểm chung là nắm rõ thắc mắc của người dân, giải thích để nhà đầu tư và người dân ngồi lại với nhau, có tiếng nói chung. Khuyến khích sự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau.

Trước đó, ngày 26-11-2021, Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu có văn bản đề xuất không cho các nhà đầu tư tự ý hỗ trợ tiền cho người dân trong khu vực dự án. Theo văn bản này, việc nhà đầu tư tự ý hỗ trợ tiền cho người dân mà không tham vấn cơ quan có thẩm quyền và UBND xã Hòa Đông là trái quy định pháp luật (?!).

Về vấn đề tranh chấp bầu trời, người dân đã gửi nhiều đơn yêu cầu đến rất nhiều cơ quan từ xã lên huyện, lên tỉnh Sóc Trăng nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết thỏa đáng… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm