Xung đột căng thẳng dưới chân điện gió Vĩnh Châu

Từ khoảng sáu tháng qua, dưới chân các trụ điện gió ở thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng đã xảy ra những mâu thuẫn giữa cư dân địa phương và các nhà thầu làm điện gió. Đã có 15 người dân bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ; nhiều cán bộ công an, bảo vệ, kỹ sư, công nhân thi công điện gió bị đánh trọng thương.

Phản ứng thái quá và hậu quả pháp lý

Thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng hiện nay có 21 dự án điện gió đã và đang triển khai thi công với hàng trăm trụ điện gió mọc lên khắp nơi trên dãy đất liền ven biển. Đó là sự thành công lớn trong kêu gọi đầu tư khai thác tiềm năng điện gió của tỉnh Sóc Trăng thời gian qua.

Tuy nhiên, có lẽ chính quyền cũng chưa lường trước được những phản ứng của người dân dưới chân các trụ điện gió đang mọc lên. Hầu hết trụ điện gió đều vướng tình trạng cư dân lân cận kêu bị ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất. Từ đó, họ đưa ra các yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Các yêu cầu bồi thường, hỗ trợ ngày càng cao, nhiều nhà đầu tư không đáp ứng hết. Và những xung đột đã xảy ra.

Ngày 30-10-2021, hàng chục người dân đã dùng bạo lực ngăn cản thi công cống tạm B3, thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu. Khi công an thị xã đến hiện trường bảo vệ thi công, nhiều người đã tấn công cả lực lượng công an làm nhiệm vụ. Sau đó, 15 người bị khởi tố tội chống người thi hành công vụ vì đã gây thương tích cho 13 chiến sĩ Công an thị xã Vĩnh Châu.

Một công trường điện gió ở thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng hôm 19-1. Ảnh: TV

Trong tháng 12-2021 và đầu tháng 1-2022, tại khu vực thi công dự án điện gió Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu cũng đã xảy ra hai vụ xung đột. Vụ thứ nhất vào cuối tháng 12-2021, ai đó đã ném gạch đá vào lán trại làm một kỹ sư xây dựng công trình phải đi cấp cứu.

Tiếp đó, lúc 10 giờ ngày 5-1-2022, một nhóm người đã tấn công các công nhân đang thi công trụ điện gió số 6 Hòa Đông bằng gạch đá, khiến một bảo vệ của công ty điện gió bị thương ở đầu phải chuyển cấp cứu tuyến trên. Tối cùng ngày, một nhóm hơn 10 người đã tiếp tục tấn công vào lán trại của công nhân bằng bom xăng. Khi bảo vệ ra kiểm tra, ngăn chặn thì bị nhóm người này dùng hung khí tấn công, gây thương tích bốn người.

Người dân bức xúc

PV Pháp Luật TP.HCM đã đến các khu vực điểm nóng kể trên ở thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Hóa ra hầu như trụ điện gió nào ở thị xã Vĩnh Châu cũng có tầm cánh quạt thò qua đất của người dân địa phương. Trụ điện thường đặt cách đất nuôi tôm, cá của người dân 20-40 m, trong khi mỗi cánh quạt dài 75-78 m, tùy theo công suất. Tức khi vận hành, cánh quạt thò qua khoảng không thuộc đất của người dân đang nuôi trồng thủy sản. Và trước khi thi công, người dân chưa được đặt vấn đề thương lượng, bồi thường.

Ông Lý Văn Cường (ngụ xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu) nói: “Trụ điện cách đất của tôi khoảng 25 m, trong khi mỗi cánh quạt dài 75 m. Tức khi nó quay thì thò qua đất của tôi 50 m, gần hết phần đất của tôi. Vậy mà khi đặt vấn đề bồi thường vì lấn chiếm khoảng không gian trên đất của tôi, họ bảo trên trời là của quốc phòng, không bồi thường. Trong khi Luật Đất đai quy định tôi được sử dụng khoảng không theo chiều thẳng đứng chiếu từ ranh đất của mình lên trời”.

Ông Lâm Văn Uổn (ngụ ấp Trà Teo, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) bức xúc: “Họ thi công rung động cả khu vực, cá kèo sợ trốn xuống sình ngộp chết hoặc bỏ ăn nhiều ngày nên chết. Vậy mà họ không bồi thường, vì vậy tôi và người dân rất tức giận. Chúng tôi kêu hoài mà không ai giải quyết, trả lại công bằng cho chúng tôi”.

Báo cáo, xin ý kiến trung ương          

Mới đây, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết hiện ông được tỉnh chỉ đạo phối hợp với thị xã Vĩnh Châu thực hiện các cuộc đối thoại với người dân. Quan điểm chung là nắm rõ thắc mắc của người dân, giải thích để nhà đầu tư và người dân ngồi lại với nhau, có tiếng nói chung. Khuyến khích sự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau.

Về vấn đề Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu từng có văn bản cấm sự hỗ trợ tự ý từ các nhà đầu tư điện gió, ông Chiêu cho rằng mình chưa biết việc đó.

Về việc tranh chấp khoảng không gian, ông Chiêu thông tin đã có báo cáo gửi trung ương xin ý kiến hướng giải quyết. 

Những thương lượng, hỗ trợ ban đầu

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV, thời gian qua, hai xã Lạc Hòa và Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) nơi xảy ra các tranh chấp khoảng không gian đã có nhiều nỗ lực để các nhà đầu tư điện gió có tiếng nói chung với nông dân.

Trước đây, các nhà đầu tư có hỗ trợ cho một số hộ dân ở xã Hòa Đông tiền con giống khi người dân báo thi công điện gió làm chết cá, tôm. Nhưng khoảng ba tháng qua, các nhà đầu tư đã tạm ngưng việc giải quyết hỗ trợ cho người dân vì một văn bản của Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu.

Cụ thể, ngày 26-11-2021, Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu có Văn bản 464/PKT đề xuất không cho các nhà đầu tư tự ý hỗ trợ tiền cho người dân trong khu vực dự án. Theo văn bản này, việc nhà đầu tư tự ý hỗ trợ tiền cho người dân mà không tham vấn cơ quan có thẩm quyền và UBND xã Hòa Đông là trái quy định pháp luật.

Chúng tôi đến UBND thị xã Vĩnh Châu để làm rõ vấn đề này nhưng bị từ chối. Ông Lâm Văn Tám, Chánh Văn phòng UBND thị xã Vĩnh Châu, cho rằng lãnh đạo huyện bảo PV hãy hỏi giám đốc Sở Công Thương.

Về vấn đề tranh chấp bầu trời, người dân đã gửi nhiều đơn yêu cầu đến rất nhiều cơ quan từ xã lên huyện, lên tỉnh Sóc Trăng nhưng đến nay vẫn chưa có một kết quả giải quyết nào.

Ông Trương Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Lạc Hòa, cho hay do vấn đề độ cao được quyền sử dụng trên bầu trời của người dân chưa có quy định cụ thể nên xã không thể giải quyết được. “Chúng tôi đã chuyển toàn bộ đơn yêu cầu bồi thường lên huyện” - ông Vũ cho biết.

Dấu hiệu vi phạm pháp luật

Khoản 2 Điều 175 BLDS 2015 quy định người sử dụng đất được sử dụng phần không gian và lòng đất chiếu theo chiều thẳng đứng. Luật quy định rõ ràng nhưng việc các cánh quạt của điện gió lấn qua không gian thuộc phạm vi đất của người dân là vi phạm khoản 2 Điều 175. Chưa hết, trường hợp này thuộc phạm vi cấm trong Luật Xây dựng. Cụ thể, khoản 11 Điều 12 Luật Xây dựng nghiêm cấm sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

Như vậy, theo BLDS và Luật Xây dựng, rõ ràng chủ dự án đã vi phạm. Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm này của chủ dự án, có quyền khởi kiện để được bồi thường hoặc yêu cầu tháo dỡ.

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ

Xung đột căng thẳng dưới chân điện gió Vĩnh Châu ảnh 2
Ông Lý Văn Cường bức xúc vì cánh quạt điện gió lấn sang khoảng không gian đất của ông đến 50 m ngang, ở độ cao 35 m trở lên. Ảnh: TV 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm