Cảnh sát Bắc Kinh 'sở hữu' công ty dịch vụ thị thực vào Canada

Theo một cuộc điều tra mới đây của tờ Globe and Mail (Canada), cơ quan cảnh sát Trung Quốc sở hữu một công ty dịch vụ thị thực chuyên thu thập thông tin chi tiết về những người xin thị thực vào Canada và nhiều quốc gia khác.

Điều này được cho là sẽ giúp các cơ quan an ninh Trung Quốc có điều kiện trực tiếp tiếp cận thông tin cá nhân của khách hàng, Globe and Mail ngày 9-2 đưa tin.

Cảnh sát Trung Quốc tuần tra Đại sứ quán Canada ở Trung Quốc ngày hồi năm 2018. Ảnh: AFP

Theo đó, Công ty Dịch vụ Đối ngoại Shuangxiong Beijing, có trụ sở tại Bắc Kinh, thuộc quyền sở hữu của Sở Công an thành phố Bắc Kinh.

Beijing Shuangxiong là nhà thầu phụ cho VFS Global - một công ty có trụ sở chính tại Zurich (Đức) và Dubai, chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ xin thị thực vào Canada tại ít nhất 83 quốc gia, theo điều tra của Globe and Mail. 

Các văn phòng VFS Global sẽ thu thập thông tin cá nhân và dữ liệu sinh trắc học của khách hàng, sau đó chuyển đến cơ quan di trú Canada để xét cấp thị thực.

Tại Trung Quốc, VFS Global dựa vào các nhà thầu phụ như công ty Beijing Shuangxiong để vận hành 11 trung tâm thị thực cung cấp dịch vụ vào Canada. 

Tuy nhiên, việc Sở Cảnh sát Bắc Kinh nắm quyền sở hữu đối với Beijing Shuangxiong đặt ra nhiều nghi vấn về mức độ bảo mật thông tin khách hàng của các trung tâm VFS tại Trung Quốc, nơi được cho là có các quy định kiểm soát việc ra ngoài nước nghiêm ngặt.

Ông Robert Potter - một chuyên gia an ninh mạng ở Úc, từng làm cố vấn cho chính phủ Canada - cho rằng các cơ quan an ninh Trung Quốc “rõ ràng có lợi ích lớn trong việc khai thác dữ liệu thị thực. Việc nắm bắt những gì diễn ra bên trong một trung tâm thị thực có thể sẽ mang lại nhiều giá trị về mặt tình báo". 

“Nếu một nước có thể biết được ai bị từ chối hay được chấp thuận thị thực, các nhân viên tình báo của họ có thể tiếp cận người đó” - ông Potter nói.

Theo Globe and Mail, thông qua việc nắm bắt thông tin, Trung Quốc cũng có thể quản lý việc ra vào nước của một số cá nhân nhạy cảm về mặt chính trị.

Theo ông Ward Elcock - cựu lãnh đạo Cục An ninh Tình báo Canada, các công ty có liên hệ với cơ quan an ninh Trung Quốc hoặc chính phủ của nước này đang đóng vai trò trong quá trình xin thị thực vào Canada.

Trong một tuyên bố, phía công ty VFS Global cho biết các cá nhân cũng như quản lý tại các công ty đối tác của mình không có quyền truy cập vào dữ liệu xin thị thực của khách hàng, đồng thời nhấn mạnh công ty có các quy trình bảo vệ dữ liệu cá nhân khách hàng nghiêm ngặt.

Beijing Shuangxiong cũng hoạt động ở nhiều quốc gia phương tây khác như Anh, Ý, Bỉ, Ireland và New Zealand.

Trước đó, Globe and Mail hồi tháng 12-2020 đưa tin Công ty TNHH Đầu tư Trung Quốc (CIC), một trong quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, là cổ đông lớn của VFS. Tuy nhiên, phía VFS cho biết các nhà đầu tư “không có quyền truy cập vào bất kỳ dữ liệu nào từ VFS Global cũng như bất kỳ đối tác nào của công ty”.

Tại Canada, các đảng đối lập đã thúc giục chính phủ liên bang xem xét lại hợp đồng với VFS. Các nghị sĩ đảng Dân chủ mới (NDP) đã gửi thư đến Bộ trưởng Di trú Marco Mendicino và Bộ trưởng Dịch vụ Công Anita Anand để bày tỏ “những lo ngại nghiêm trọng về tính bảo mật thông tin do VFS Global xử lý”.

Hồ sơ doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy Beijing Shuangxiong thuộc sở hữu hoàn toàn của Tập đoàn quản lý tài sản Beijing Tongda, một công ty con của Văn phòng quản lý doanh nghiệp Beijing Sifu. Hồ sơ doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy Beijing Sifu là một đơn vị của Sở Công an thành phố Bắc Kinh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới