Bộ Công an đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ của Cảnh sát giao thông, thay thế Thông tư 63/2020 của Bộ Công an. Theo đó, Dự thảo đề xuất nhiều quy định mới khi xử lý vụ tai nạn giao thông.
Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất trường hợp vụ TNGT có người điều khiển phương tiện bỏ chạy thì cán bộ Cảnh sát giao thông nhận được truy tìm người, phương tiện bỏ chạy.
Cảnh sát giao thông xử lý tin báo tai nạn như thế nào?
Cụ thể tại Điều 5 quy định về xử lý tin báo như sau:
Lãnh đạo trực chỉ huy thuộc Cục Cảnh sát giao thông nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông thì xử lý như sau:
Nếu tin báo vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường bộ cao tốc được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm phải cử cán bộ Cảnh sát giao thông đến ngay hiện trường để xác minh có xảy ra vụ tai nạn giao thông hay không.
Trường hợp có vụ tai nạn giao thông xảy ra thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ tai nạn giao thông để chỉ đạo, bố trí lực lượng tham gia, phối hợp cứu hộ, cứu nạn, hạn chế thiệt hại do vụ tai nạn giao thông gây ra. Bảo vệ hiện trường, phân luồng điều tiết giao thông tránh gây ùn tắc, đồng thời cảnh báo cho các phương tiện tham gia giao thông khác những mối nguy hiểm khi lưu thông qua khu vực hiện trường. Thông báo cho Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông biết hoặc yêu cầu phối hợp điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông theo quy định;
Nếu tin báo vụ tai nạn giao thông không xảy ra trên tuyến được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thì thông báo cho trực ban Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông để xử lý tin báo theo quy định, đồng thời thông báo cho trực ban Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh (nếu vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thuộc Phòng Cảnh sát giao thông) để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Thông tư này.
Lãnh đạo trực chỉ huy thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông thì xử lý như sau:
Nếu tin báo vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường bộ được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thì thực hiện như điểm a khoản 1 Điều này;
Nếu tin báo vụ tai nạn giao thông không xảy ra trên tuyến được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thì thông báo cho trực ban Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông để xử lý tin báo, đồng thời thông báo cho trực ban Cục Cảnh sát giao thông (nếu vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thuộc Cục Cảnh sát giao thông) để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Thông tư này.
Lãnh đạo trực chỉ huy thuộc Công an cấp huyện nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông thì xử lý như sau:
Phải cử cán bộ Cảnh sát giao thông đến ngay hiện trường để kiểm tra, xác minh tin báo vụ tai nạn giao thông, nếu có vụ tai nạn giao thông xảy ra thì thực hiện nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết theo quy định;
Trường hợp vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thuộc Cục Cảnh sát giao thông hoặc Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh thì thông báo cho trực ban đơn vị được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến xảy ra vụ tai nạn giao thông biết để thực hiện nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết theo thẩm quyền và phối hợp điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông theo quy định.
Trường hợp vụ tai nạn giao thông có tình tiết phức tạp làm chết từ 3 người trở lên; gây ùn tắc giao thông kéo dài liên tuyến, liên địa bàn, liên tỉnh; gây thảm họa hoặc cần thiết phải có sự phối hợp cứu nạn, cứu hộ, điều tiết, giải tỏa ùn tắc giao thông của Công an nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì xử lý như sau:
Vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Công an cấp huyện phải báo cáo ngay Giám đốc Công an cấp tỉnh (qua Phòng Tham mưu và Phòng Cảnh sát giao thông công an cấp tỉnh), đồng thời báo cáo Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông) để chỉ đạo giải quyết;
Vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh phải báo cáo ngay Giám đốc Công an cấp tỉnh (qua Phòng Tham mưu), đồng thời báo cáo Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông) để chỉ đạo giải quyết;
Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Giám đốc Công an cấp tỉnh có liên quan để thống nhất chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện giải quyết vụ tai nạn giao thông theo quy định.
Cảnh sát giao thông được truy tìm người, phương tiện gây tai nạn mà bỏ chạy
Trường hợp vụ tai nạn giao thông có người điều khiển phương tiện bỏ chạy thì cán bộ Cảnh sát giao thông nhận tin báo phải báo cáo lãnh đạo đơn vị tăng cường cán bộ Cảnh sát giao thông thuộc các đơn vị trên tuyến được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tham gia phối hợp với Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông để điều tiết giao thông và truy tìm người, phương tiện bỏ chạy.
Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông theo quy định tại khoản 4 Điều này hoặc vụ tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài; liên quan đến cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải báo cáo vụ việc theo quy định tại Thông tư số 05/2019/TT-BCA ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về chế độ báo cáo trong Công an nhân dân.
Trường hợp cán bộ Cảnh sát giao thông khi đến nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông nhưng các bên liên quan đã rời khỏi hiện trường (không còn hiện trường) thì phải lập Biên bản vụ việc theo mẫu số 02/TNĐB ban hành theo Thông tư này.