Cảnh sát mách bài học sinh tử khi cháy chung cư

Vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại chung cư Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP.HCM) khiến 13 người thiệt mạng đang làm người dân sống tại các chung cư trên địa bàn cả nước lo lắng.

Khi hỏa hoạn xảy ra, làm thế nào để thoát khỏi vùng nguy hiểm, cần thao tác những gì để tránh sai lầm…? Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội), đã chia sẻ một số kỹ năng khi có hỏa hoạn tại chung cư.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2.

Tìm cách ngăn khói

Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, vụ cháy tại chung cư Carina gây tổn thất rất lớn về người và tài sản. Một chi tiết rất quan trọng là khi xảy ra cháy, cửa thoát nạn của tòa nhà đã bị chèn, còn hệ thống đèn báo lối thoát hiểm thì không hoạt động. Đây là điều rất nguy hiểm đối với các tòa nhà cao tầng.

Về nguyên tắc, cửa thang bộ là để ngăn lửa, khi có hỏa hoạn không cho khói thộc vào các khoang lân cận. Nếu cửa này bị vô hiệu hóa bằng các cách khác nhau thì khi có cháy đều gây hậu quả lớn.

Đối với đèn báo lối thoát hiểm, khi có sự cố sẽ tự động phát sáng. Nếu hệ thống này bị hỏng hoặc không có, rất có thể khi gặp biến cố, người dân giẫm đạp lên nhau vì không nhìn thấy lối thoát.

Trong trường hợp cháy ở tầng hầm hoặc nơi nào đó mà lửa không thể cháy đến phòng mình đang ở, hãy bình tĩnh đóng kín cửa lại và lấy băng dính, chăn hoặc giẻ ướt bịt kín vào các khe cửa, không cho khói vào.

Tiếp đó, người dân cần gọi điện thoại báo cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ theo số 114, bình tĩnh nói vị trí kèm theo số lượng người đang ở cùng mình.

“Trong trường hợp không có đồ bịt cửa ngăn khói, tuyệt đối không được thoát nạn theo lối thang máy, nếu có thể thoát nạn hoặc cùng hướng dẫn bà con thoát nạn thì hãy lên tầng cao của tòa nhà. Đặc biệt, người dân cần bình tĩnh, không gây hoảng loạn cho người ở bên cạnh mình” - Đại tá Sơn lưu ý.

Chỉ nên tự thoát nạn khi ở tầng thấp

Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 cho rằng các tòa nhà chung cư ở Hà Nội và TP.HCM nếu có hỏa hoạn trong nhiều giờ đồng hồ cũng không thể sụp đổ được. Do đó, người dân không nên hoảng sợ hoặc mất bình tĩnh.

Việc nối các mảnh vải, chăn màn trong gia đình làm dây thoát nạn là cần thiết, tuy nhiên chỉ nên thực hiện ở tầng ba trở xuống.

“Điều này không phải ai cũng thực hiện được, bởi trong tình huống nguy cấp nếu thao tác mất bình tĩnh sẽ gây nguy hiểm như tuột tay khỏi sợi dây rơi xuống đất” - Đại tá Sơn khuyến cáo.

Bên cạnh đó, quan trọng và hiệu quả nhất chính là công tác phòng cháy. Ban quản lý và chủ đầu tư các tòa chung cư phải tuân thủ quy định an toàn PCCC. Hệ thống báo cháy tự động, đèn báo thoát nạn, cửa thoát nạn phải luôn đóng kín để ngăn khói khi có cháy. Tuyệt đối không được tận dụng không gian dưới hầm nhằm làm chỗ đậu xe máy, ô tô chắn lối thoát nạn.

Đối với lực lượng bảo vệ, cần phải được tập huấn về PCCC thường xuyên, tuân thủ chặt chẽ quy định ứng trực, ca kíp; nghiêm cấm hút thuốc tại hầm giữ xe; sử dụng thành thạo bình chữa cháy...

Đối với người dân, khi có các lớp tuyên truyền, tập huấn PCCC cần tham gia để trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng ứng phó. Tại gia đình cần trang bị bình chữa cháy xách tay, thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện trong gia đình để kịp thời bảo dưỡng, thay thế tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.

“Có một thực tế, khi tổ chức các lớp tập huấn PCCC thì rất ít người dân tham gia, nếu có thì cũng chủ yếu là người già. Rất nhiều người lấy lý do bận công việc để từ chối tham gia các buổi như vậy” - Đại tá Sơn chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm