Những ngày cận sau Tết, trong khi người dân miền Tây đổ về TP.HCM phải chen nhau nhích từng chút do ùn tắc giao thông trên quốc lộ (QL) 1 thì tuyến giảm tải cho QL này là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn “án binh bất động” và chưa hẹn ngày hoàn thành.
Vẫn đang lập báo cáo
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án, cho biết hiện vẫn chưa có thông tin gì mới về cao tốc này và các bên vẫn đang làm các báo cáo cho cơ quan chức năng về vấn đề liên quan.
Trước đó, cuối năm 2018, Bộ GTVT cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về những khó khăn, vướng mắc của dự án này. Theo đó, dù đã được phê duyệt đầu tư từ năm 2014 nhưng đến nay dự án đang vướng khó khăn về lãi suất vốn vay chưa gỡ được và đang có nguy cơ dừng dự án.
“Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ kết nối trung tâm kinh tế-xã hội khu vực Tây Nam bộ với TP.HCM, việc sớm hoàn thành cao tốc này có ý nghĩa quan trọng với khu vực và cả nước” - văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.
Văn bản của Bộ GTVT được chứng minh một cách cụ thể khi mới đây, vào mùng 6 tháng Giêng, hàng ngàn người và phương tiện từ miền Tây đổ về TP.HCM đã kẹt đến vài cây số trên QL1. Và thực tế nếu có cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận kết hợp với đoạn TP.HCM - Trung Lương thì thực trạng trên có thể đã được giải quyết.
Về khó khăn của dự án, theo lãnh đạo Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (đơn vị chủ đầu tư) thì ngày 15-6-2018, đơn vị ký hợp đồng tín dụng với bốn ngân hàng VietinBank, BIDV, VPBank và Agribank cho dự án.
“Tuy nhiên, do mức lãi suất vốn vay tính theo mức lãi suất trái phiếu chính phủ thấp hơn quá nhiều so với mức lãi suất vay của ngân hàng nên dự án không thể hoàn vốn” - văn bản của Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận gửi Bộ GTVT và Thủ tướng vào tháng 7-2018 nêu.
Cũng theo văn bản nói trên, kết quả tính toán của nhà đầu tư cho thấy phương án 1 (theo thời điểm đàm phán hợp đồng tháng 8-2017) thì nhà đầu tư thu hồi được toàn bộ vốn vay, một phần vốn chủ sở hữu và lỗ 1.252 tỉ đồng. Phương án 2 (thời điểm tháng 7-2018) thì vốn vay được thu hồi gần hết, nhà đầu tư chịu lỗ toàn bộ vốn chủ sở hữu - chi phí sử dụng vốn - một phần vốn vay, tổng lỗ là: 3.639 tỉ đồng.
QL1 đoạn qua Tiền Giang kẹt cứng vào mùng 6 Tết, trong khi cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giảm tải cho đường này vẫn đang gặp khó. Ảnh: HN
Khẩn cấp tháo gỡ nút thắt
“Nếu tiếp tục thực hiện dự án theo đúng quy phạm pháp luật hiện hành và hợp đồng BOT đã ký, nhà đầu tư sẽ không thu hồi được vốn chủ sở hữu và vốn vay. Trường hợp này dự án có thể phải dừng” - văn bản của Bộ GTVT cho hay.
Trong trường hợp nhà đầu tư không thể tiếp tục dự án này, Bộ đưa ra phương án xử lý, có thể nếu phải dừng thì Chính phủ xem xét để bố trí ngân sách cho dự án hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới.
Tuy nhiên, phương án này cũng khá khó khăn khi phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới và chậm tiến độ. Đó là chưa kể dự án phải tạm dừng khi đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng có thể ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực này.
Còn nếu vẫn tiếp tục triển khai dự án với nhà đầu tư hiện tại thì Chính phủ cần ban hành nghị quyết để tháo gỡ khó khăn về lãi suất vốn vay cho chủ đầu tư, làm cơ sở cho các ban, ngành chức năng thực hiện.
“Cho đến nay mục tiêu hoàn thành đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2020 cũng chưa biết có hoàn thành được không nếu các khó khăn, vướng mắc không được giải quyết sớm” - ông Trần Văn Thi thông tin.
Kế hoạch sẽ hoàn thành năm 2020 Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1 km, được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 9.668 tỉ đồng. Theo hợp đồng đã ký với Bộ GTVT, nhà đầu tư phải tự huy động vốn chủ sở hữu (1.542 tỉ đồng) và vốn vay từ các ngân hàng thương mại (8.126 tỉ đồng) để đầu tư thực hiện dự án. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2020. |