Ngày 21-2, chúng tôi có mặt trên công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dù chỉ còn khoảng hai tháng nữa là phải hoàn thành nhưng công trường buồn hiu hắt, thỉnh thoảng mới thấy vài đội thi công, thậm chí có đoạn cơ giới “đứng bánh” đậu cắn đuôi nhau.
Cơ giới đậu kín mặt đường vì thiếu đất đắp. |
Theo ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, thì hiện trên toàn tuyến đang thiếu khoảng 950.000 m3 đất đắp để thi công các hạng mục đường gom dân sinh, cầu ngang, đường nhánh, đường dẫn…
Trong khi đó, sáu mỏ đất đắp được cấp phép theo cơ chế đặc thù (không thông qua đấu giá cấp quyền khai thác) để phục vụ riêng cho dự án đã dừng hoạt động hơn hai tháng qua do chưa gia hạn lại được.
Nhiều đoạn mặt đường đã hoàn chỉnh nhưng thiếu đất đắp làm đường gom dân sinh. |
Ngày 20-2, để tháo gỡ khó khăn về vật liệu đắp cho các dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua nội dung gia hạn khai thác mỏ đất đắp phục vụ thi công Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Theo đó nếu được chấp thuận, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ sớm thực hiện các thủ tục gia hạn thời gian khai thác các mỏ đất đắp.
Liên quan đến vướng mắc thời trong gia hạn khai thác các mỏ đất đắp tại dự án này, trước đó Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã giao Bộ TN&MT hướng dẫn UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện theo qui định của pháp luật…
Cầu vượt đã làm xong nhưng thiếu đất đắp làm đường dẫn lên cầu. |
Nhiều nhà thầu khẳng định với tình hình hiện tại khó có thể về đích trước ngày 30-4-2023, đưa vào vận hành.
Quả thật, chúng tôi đã đi xuyên suốt chiều dài hơn 100 cây số của tuyến cao tốc này và chứng kiến nhiều cầu vượt đã làm xong nhưng không có đất đắp để làm đường dẫn.
Do đó các phương tiện ở địa phương buộc phải băng ngang qua dự án cao tốc đang thi công. Nhiều đoạn, mặt đường chỉ mới ở giai đoạn cấp phối đá dăm, đổ bê tông trong khi quy chuẩn còn phải thảm thêm ba lớp nhựa nóng nữa.
Nhiều đoạn còn rất ngổn ngang. |
Nhiều đoạn chúng tôi phải đi đường công vụ do nhiều cây cầu trên tuyến vẫn chưa làm xong. Chỉ duy nhất có hạng mục đường dẫn từ điểm cuối cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo-Phan Thiết dẫn ra QL1A đã được thảm nhựa hoàn chỉnh, khá đẹp.
Dự án cao tốc này được đánh giá là khá đẹp khi có đến năm đoạn xẻ núi; nhiều đoạn lên cao đi song song với đường sắt Bắc-Nam và ngang qua “cánh đồng điện gió” ở Tuy Phong rất bắt mắt.
Thiếu đất đắp là nỗi lo lớn của dự án này. |
Được biết, ngày 21-2 ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT, đã có công điện tập trung thi công, hoàn thành các thủ tục, đảm bảo đưa vào khai thác theo kế hoạch đối với các dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 — 2020.
Đoạn xẻ núi trên địa bàn huyện Tuy Phong. |
Công điện yêu cầu tổ chức thi công hoàn thành thảm bê tông nhựa mặt đường trước ngày 31-3, hoàn thiện các hạng mục còn lại như nút giao, cầu vượt ngang… đảm bảo đưa công trình vào khai thác sử dụng trước ngày 30-4-2023.
Một đoạn xẻ núi. |
Với tình hình hiện tại mà chúng tôi ghi nhận và chỉ còn khoảng hai tháng nữa, đối với dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, khó có thể về đích đúng thời hạn cam kết.
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km đi qua tỉnh Bình Thuận với 4 gói thầu, tổng mức đầu tư: 10.853,9 tỉ đồng.
Điểm đầu tại km134 thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, điểm cuối là km235 qua xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam và trùng với điểm đầu đoạn Phan Thiết – Dầu Giây.
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết được thiết kế đầu tư giai đoạn 1 gồm có 4 làn xe, chiều rộng mặt đường 17 m, tốc độ tối đa 80 km/h. Dự án có 31 cầu trên tuyến chính; 20 cầu vượt trực thông, một cầu trên tuyến kết nối đường cao tốc với QL1 và 5 cầu vượt nút giao liên thông.
Dự án khởi công ngày 30-9-2020, kế hoạch hoàn thành 30-12-2022 và sau đó được gia hạn đến ngày 30-4-2023.