Khó hoàn thành cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cuối năm 2022

(PLO)- Cuối năm 2022 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết thông xe kỹ thuật và phấn đấu đến 30-4-2023 đưa vào khai thác, sử dụng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 21-11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cùng đoàn công tác đã có buổi thị sát tình hình thi công tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km).

Dự án chậm so với tiến độ

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án (QLDA) 7 (thuộc Bộ GTVT), tình hình thực hiện dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đều chậm so với tiến độ.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thị sát công trường dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: PN

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thị sát công trường dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: PN

Cụ thể, dự án chia làm bốn gói thầu xây lắp. Hiện gói thầu XL01 đã huy động được 25/25 dây chuyền thi công; triển khai thi công 13/13 cầu; cống, hầm chui tuyến chính đã cơ bản hoàn thành.

Tuy nhiên, nhà thầu là Tổng công ty Thăng Long (thi công 7 km đường và bảy cây cầu) cần phải tập trung tối đa nguồn lực và nhân lực cho dự án. Nếu không có giải pháp căn cơ, tập trung thi công cuốn chiếu các lớp móng, mặt đường thì khó hoàn thành trong năm 2022.

Gói thầu XL02: Sản lượng chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do nhà thầu không tập trung triển khai thi công, công trường còn tình trạng thiếu nguyên vật liệu. Mỏ đất đắp phục vụ gói thầu được cấp phép từ ngày 25-3 nhưng đến ngày 29-7 mới được khai thác, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung.

Gói thầu XL03 cũng chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do thời gian từ tháng 9-2022 trở về trước, nhà thầu không tập trung triển khai thi công. Công trường thường xuyên thiếu nguyên vật liệu thi công. Tài chính thiếu trầm trọng ở đơn vị Cienco 8, đến nay mới cơ bản được khắc phục.

Gói thầu XL04: Do thiếu hụt tài chính tại nhiều mũi thi công nên bị kéo dài và chưa xử lý dứt điểm. Cạnh đó, tài chính bố trí không kịp thời, công trường thường xuyên thiếu nguyên vật liệu.

Theo Ban QLDA 7, tính từ thời điểm ngày 17-3, tiến độ dự án có nhiều chuyển biến tích cực, nhà thầu đã tăng cường huy động xe máy, thiết bị; tổ chức tăng ca, kíp thi công.

Thời gian qua, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Vấn đề này cũng ảnh hưởng đến nhà thầu trong việc triển khai thi công.

Ngoài ra, thời tiết mưa kéo dài bất thường trong năm 2021 và năm nay mùa mưa đến sớm hơn so với dự kiến ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức thi công, đặc biệt là thi công đắp nền đường…

Ngoài ra, sự thiếu quan tâm của lãnh đạo các đơn vị thi công, sự yếu kém của nhân sự thực hiện dự án của một số nhà thầu dẫn đến công tác nghiệm thu, thanh toán rất chậm. Khối lượng tồn tại chưa nghiệm thu lớn dẫn đến dòng tiền không thể quay lại công trường…

Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định đây là dự án trọng điểm quốc gia, một trong bốn gói thầu phải hoàn thành trong năm 2022.

Cần tập trung tối đa nguồn lực cho dự án

Theo Ban QLDA 7, dự án hiện nay tuy còn chậm nhưng với phương pháp tổ chức, chuẩn bị và khắc phục một số tồn tại thì trong thời gian gần sẽ bắt kịp tiến độ và hoàn thành theo hợp đồng. Tuy nhiên, dự án cần phải được khắc phục một cách tổng thể có hệ thống từ tổ chức thi công đến quản lý chất lượng.

Cụ thể, ban này yêu cầu lãnh đạo cấp cao của nhà thầu thường trực tại công trường, kịp thời chỉ đạo để bộ máy vận hành tốt. Nhà thầu thi công phải quyết liệt, tập trung tài chính, tăng cường nhân sự có năng lực cho dự án. Đồng thời tăng cường huy động thiết bị thi công, tập kết vật tư, đảm bảo các mốc tiến độ đã cam kết với Chính phủ tại lễ phát động thi đua 120 ngày đêm hoàn thành dự án…

Tại hiện trường, Bộ trưởng Bộ GTVT một lần nữa khẳng định đây là dự án trọng điểm quốc gia, một trong bốn gói thầu phải hoàn thành trong năm 2022.

“Dự án chậm so với hợp đồng đã ký và mong muốn của Chính phủ mà lẽ ra sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng từ ngày 31-12-2022. Trách nhiệm chính thuộc về Ban QLDA và các nhà thầu. Dự án khởi công từ tháng 9-2020 nhưng đến ngày 2-9-2022 chỉ đạt khối lượng 49%. Với những báo cáo, cam kết, chắc chắn ngày 31-12-2022 sẽ thông xe kỹ thuật và phấn đấu chậm nhất đến ngày 30-4-2023 sẽ khánh thành, đưa vào khai thác tuyến cao tốc này” - Bộ trưởng Bộ GTVT nói.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng đề nghị các nhà thầu tập trung tối đa nguồn lực tài chính, máy móc, thiết bị, công nhân. Các đơn vị phải thi công ngày đêm, 24/24 giờ, đảm bảo tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không được bỏ qua các quy trình theo các tiêu chuẩn kỹ thuật để nỗ lực hoàn thành dự án.•

Yêu cầu khắc phục hư hỏng đường địa phương

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các ban QLDA, nhà thầu thi công tổ chức sửa chữa ngay các hư hỏng trên các tuyến đường địa phương do việc vận chuyển vật liệu phục vụ thi công dự án gây ra.

Các đơn vị cần tuân thủ nghiêm các quy định về tải trọng cầu đường, tốc độ tối đa cho phép của từng tuyến đường. Từ đó đảm bảo an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến; đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường dọc hai bên đường ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Khi kết thúc quá trình sử dụng, các đơn vị phải hoàn trả nguyên trạng như ban đầu hoặc tốt hơn đối với kết cấu nền, mặt đường, cầu cống và hệ thống báo hiệu an toàn giao thông trên các tuyến đường.

Nói về kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các ban QLDA, nhà thầu sau khi thi công xong phải đáp ứng các nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm