Cập nhật: Sập cầu Phong Châu, Phó Chủ tịch Quốc Hội, Phó Thủ tướng đến hiện trường chỉ đạo cứu hộ

(PLO)- Một nhịp cây cầu sắt Phong Châu bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bị sập, nhiều người, phương tiện bị rơi xuống sông.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Video: Cầu Phong Châu bị sập, nghi có nhiều người, phương tiện rơi xuống sông Hồng

+ Tối 9-9, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ có chỉ đạo phòng chống lũ, sạt lở, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, hồi 17 giờ ngày 9-9, nước sông Thao ở mức 27,44 m (trên báo động III 1,44 m). Bên cạnh đó, các hồ thủy điện phía thượng nguồn đang xả nước, đặc biệt lũ làm trôi 2 nhịp cầu Phong Châu…

Theo dự báo, ngày 9 và 10-9, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa lớn, các hồ thủy điện tiếp tục xả lũ, nước sông trên báo động III, nguy cơ rất cao xảy ra lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng thấp.

Thực hiện Công điện số 89/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Đối với sự cố sập nhịp cầu Phong Châu: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các huyện Tam Nông, Lâm Thao: Tiếp tục chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện để cứu người, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn và các biện pháp cần thiết để ứng phó, khắc phục sự cố. Bố trí lực lượng canh gác, cắm biển, rào tôn hộ lan cảnh báo khu vực nguy hiểm, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại, phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khai thác công trình thủy lợi và các cơ quan, đơn, vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; theo dõi chặt chẽ, sát sao diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các giải pháp để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước;

Triển khai ngay các lực lượng rà soát kỹ lưỡng các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; căn cứ tình hình thực tế tổ chức di dời, sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn…

Tiếp tục rà soát, kịp thời phát hiện và triển khai phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình hạ tầng, nhất là công trình cầu giao thông, đê điều, hồ đập ở khu vực hai bên bờ sông Thao, sẵn sàng triển khai phương án chống lũ, đảm bảo giao thông và đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động.

3. Giao Sở Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải, Quân khu 2 và các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, triển khai lắp đặt cầu phao để đảm bảo giao thông tạm thời nhằm phục vụ đi lại của nhân dân…

Các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc công tác trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai và tổng hợp, báo cáo theo quy định; kịp thời thông tin, cảnh báo thiên tai đến các địa phương và người dân để chủ động phòng tránh; đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giải quyết đối với các tình huống phát sinh.

+ Đến 18 giờ 30 phút chiều nay (9-9), ghi nhận của PV PLO, tại hiện trường, lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ đã thiết lập Sở Chỉ huy tạm thời để phối hợp trong công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ.

cuu-ho3.jpg

Đại tá Trần Nho Lương, Phó Chỉ huy trưởng, kiêm Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ cho biết, các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ hiện có gồm lực lượng tăng cường của Bộ Công an và của tỉnh, lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ, phối hợp Lữ đoàn 543. Hiện đã triển khai lực lượng cùng hệ thống xuồng SD 660 và SD 450 sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ.

Cũng theo Đại tá Trần Nho Lương, khi nào mực nước sông bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn và được lệnh của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu và Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão của tỉnh thì các lực lượng mới triển khai công tác cứu hộ cứu nạn trên sông.

cuu-ho2.jpg
cuu-ho.jpg
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ đã thiết lập Sở Chỉ huy tạm thời để phối hợp trong công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ. Ảnh: NGUYỄN HINH

Các lực lượng hiện đã cắm trại tại khu vực đầu cầu Phong Châu và đang triển khai để phân luồng giao thông và canh chừng tại bờ sông tránh người dân hiếu kỳ ra xem, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi được yêu cầu.

+ Hiện Sở GTVT Phú Thọ phân luồng các phương tiện lưu thông qua cầu Phong Châu, cầu Tứ Mỹ và cầu Trung Hà.

Theo Sở GTVT Phú Thọ, do ảnh hưởng cơn bão số 3, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gặp nhiều thiệt hại, để đảm bảo giao thông và an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, Sở thông báo tổ chức phân luồng các phương tiện lưu thông qua cầu Phong Châu, cầu Tứ Mỹ và cầu Trung Hà, cụ thể như sau:

1. Cấm toàn bộ các phương tiện xe cơ giới lưu thông qua cầu Tứ Mỹ tại km26+500, QL.32C; cầu Trung Hà tại km64+639, QL.32 và cầu Phong Châu tại km18+200, QL.32C.

cau-phong-chau1.jpg

2. Phương án phân luồng giao thông cụ thể:

Đối với các phương tiện lưu thông qua địa bàn huyện Tam Nông đi huyện Lâm Thao, thành phố Việt Trì (và ngược lại) di chuyển theo các phương án sau:

Hướng thứ 1: Từ Tam Nông đi theo hướng QL32, đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp), đi theo QL.2D đi huyện Lâm Thao, thành phố Việt Trì và ngược lại.

Hướng thứ 2: Từ Tam Nông đi theo hướng QL32, đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp), vào nút giao IC9/cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thị xã Phú Thọ), đi theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thành phố Việt Trì và ngược lại.

Đối với các phương tiện lưu thông qua địa bàn huyện Tam Nông đi Vĩnh Phúc, Hà Nội (và ngược lại) di chuyển theo các phương án sau:

Hướng thứ 1: Theo đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp), vào nút giao IC9/cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thị xã Phú Thọ), đi theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Vĩnh Phúc, Hà Nội và ngược lại.

Hướng thứ 2: Từ Tam Nông đi theo hướng QL.32, đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp), đi theo QL.2D đi Việt Trì. Từ Việt Trì đi theo QL.2 đi Vĩnh Phúc, Hà Nội hoặc đi qua cầu Văn Lang, qua Ba Vì, đi theo QL.32 đi Vĩnh Phúc, Hà Nội và ngược lại

Đối với các phương tiện từ các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Hà Nội (và ngược lại) di chuyển theo phương án sau:

Hướng thứ 1: Đi đến Km69+00 QL.32 (xã Dân Quyền, huyện Tam Nông), rẽ phải vào ĐT.317G, tiếp tục đi đến Km17+400 ĐT.317G (xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy), rẽ trái vào ĐT.317E, đi qua cầu Đồng Quang đến huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội và ngược lại.

Hướng thứ 2: Ngoài ra, các xe đi từ thành phố Hà Nội về tỉnh Phú Thọ và ngược lại có thể đi theo tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoặc QL.2.

Đối với các phương tiện lưu thông di chuyển từ Hà Nội đi các huyện: Cẩm Khê, Hạ Hòa và đi tỉnh Yên Bái (và ngược lại) di chuyển theo các phương án sau:

Hướng thứ 1: Các phương tiện từ Tam Nông đi vào ĐT.315, ĐT.315D (đường Liên Vùng), qua ĐT.313C, đi theo QL.32C đi Cẩm Khê, Hạ Hòa, tỉnh Yên Bái và ngược lại.

Hướng thứ 2: Theo hướng QL.32, theo đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp), đi theo hướng QL.2D, qua cầu Hạ Hòa, tiếp tục theo hướng QL.32C đi huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ và thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Hướng thứ 3: Theo QL.32  theo đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) đến thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, thị xã Phú Thọ lên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút giao IC7, IC8, IC9 đến nút giao IC10, IC12 đi huyện Cẩm Khê, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

3. Thời gian thực hiện phân luồng bắt đầu từ 16 giờ 30 phút ngày 9-9 đến khi khắc phục, sửa chữa xong hư hỏng của các cầu.

cam cau TRung Ha.jpg
Lực lượng CSGT hướng dẫn các phương tiện lưu thông qua hướng khác do đã cấm toàn bộ các phương tiện xe cơ giới lưu thông qua cầu cầu Trung Hà. Ảnh: NGUYỄN HINH

+ Theo Cục CSGT (C08, Bộ Công an), ngay sau khi nhận thông tin sập cầu Phong Châu, Cục CSGT đã triển khai lực lượng tham gia cứu hộ ban đầu.

Đoàn công tác do Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn đã kịp thời có mặt tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ tại tỉnh Phú Thọ.

csgt.jpg
Lực lượng CSGT thuộc Cục tham gia tìm kiếm người mất tích vụ sập cầu Phong Châu

Đoàn gồm 33 cán bộ, chiến sĩ, 6 xe ô tô và 1 xuồng máy. Hồi 14 giờ, Đoàn công tác đã làm việc với Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiền phương được thành lập tại hiện trường xảy ra vụ việc và triển khai lực lượng, phối hợp với các lực lượng thuộc Công an tỉnh Phú Thọ.

Triển khai điều tiết, phân luồng giao thông tại khu vực ngã 3 quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh không để người dân đi lại, tụ tập đông người tại hai đầu cầu thuộc huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao. Phối hợp, phân luồng giao thông tại hai đầu cầu Trung Hà sau khi có lệnh cấm phương tiện lưu thông qua cầu.

Tiến hành hạ 1 xuồng máy tại khu vực xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (cách hạ lưu cầu Phong Châu khoảng 3km) để sẵn sàng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn.

Hồi 15 giờ, Đoàn công tác của Cục CSGT cùng với Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiền phương làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng một số lãnh đạo Uỷ ban của Quốc hội để triển khai các phương án tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ các nạn nhân và phương tiện gặp nạn.

Cụ thể, phối hợp với các lực lượng điều tiết giao thông để người dân đi lại bảo đảm an toàn, cấm các phương tiện qua cầu Trung Hà để bảo đảm an toàn.

Chặn hai đầu cầu Phong Châu bằng dải phân cách cứng để hạn chế, ngăn chặn người dân đi lại gần khu vực cầu.

Triển khai lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an TP. Hà Nội, Công an tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ tăng cường công tác tuần tra, tìm kiếm cứu nạn.

+Lúc 16 giờ 40, sau khi đến hiện trường vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) và thăm hỏi các nạn nhân đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ về công tác cứu hộ cứu nạn sau sự cố.

tran-quang-phuong.jpg

Ông Trần Quang Phương yêu cầu lãnh đạo tỉnh Phú Thọ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, lực lượng chức năng nhanh chóng tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ các nạn nhân và phương tiện gặp nạn. Đồng thời các bộ ngành và địa phương rà soát, đánh giá mức độ an toàn ở các công trình giao thông khác trên địa bàn, như cầu Trung Hà.

Cầu Trung Hà được cơ quan chức năng đánh giá yếu hơn cầu Phong Châu. Do đó, tỉnh Phú Thọ và Bộ GTVT cần đánh giá gấp về tình trạng an toàn của cầu, có thể xem xét cấm cầu trong giai đoạn lũ lên cao.

Được biết, cầu Trung Hà nằm trên Quốc lộ 32, là cây cầu bê tông bắc qua hạ lưu sông Đà, nối thôn Trung Hà, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội và thôn Hạ Nông, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

+ Sức khỏe nạn nhân trong sự cố sập cầu Phong Châu hiện đã ổn định. Tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông , cuối giờ chiều 9-9, ông Hà Ngọc Anh, Trưởng phòng bác sĩ chuyên khoa 2 cho biết, khoảng 10h30 cùng ngày bệnh viện tiếp nhận thông tin về vụ sập cầu Phong Châu. Đơn vị đã huy động 2 xe cứu thương cùng đội ngũ y bác sỹ có mặt tại hiện trường.

Sau đó, trung tâm tiếp nhận 2 nạn nhân và đưa về đơn vị điều trị. Đến nay, sức khoẻ của 2 nạn nhân cơ bản ổn định.

Đến khoảng 10h45, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông tiếp nhận thêm nạn nhân Nguyễn Trường Sơn (ngụ huyện Tam Nông).

Nạn nhân Sơn là người đi xe máy bị rơi xuống sông Hồng. Do biết bơi nên anh Sơn bơi dưới sông sau đó bám vào cây chuối và được người dân cứu giúp.

"Hiện sức khỏe của anh Sơn ổn định", ông Ngọc Anh thông tin.

z5812996063018_7f21b8af9a950c3cfc531778b61ae564.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (thứ 3 từ phải) thăm hỏi các nạn nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông. Ảnh: NGUYỄN HINH

+ 16 giờ chiều 9-9, theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trưa cùng ngày, các bác sĩ đã hội chẩn cấp cứu trực tuyến ba bệnh nhân gặp nạn trong vụ sập cầu Phong Châu.

cap cuu sap cau.jpg

Cụ thể, tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông có ba trường hợp bệnh nhân vừa được chuyển đến cấp cứu, trong đó có một trường hợp chấn thương nặng.

Nam bệnh nhân này khoảng 40 tuổi đi xe máy trên cầu, ngã rơi xuống nước do cầu sập, trôi xuôi dòng về Hưng Hóa dạt vào bờ được người dân vớt lên. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hoảng loạn, đau đầu, vết thương rộng cẳng chân trái 14-16cm, dị vật cát bẩn, dập nát, xẹp phổi nhỏ ở thùy dưới phổi phải.

Bệnh nhân đã được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hội chẩn liên chuyên khoa, hướng dẫn đội ngũ bác sĩ tuyến dưới xử trí các tổn thương cho người bệnh, tiếp tục theo dõi và có các phương án điều trị về thần kinh, tim mạch lồng ngực, chấn thương, tiêu hóa…

Ngoài ra, có hai bệnh nhân khác đến viện trong tình trạng xây xước nhẹ cũng đang tiếp tục được theo dõi và động viên tinh thần tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ đảm bảo đường truyền telemedicine được kết nối thông suốt giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với các điểm cầu tại Phú Thọ: Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, Trung tâm Y tế Lâm Thao, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Phú Thọ… để kịp thời hội chẩn tư vấn, hỗ trợ xử trí qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa.

+ Lúc 15 giờ 20, ngày 9-9, các lực lượng chức năng thuộc tỉnh Phú Thọ đang tích cực, chủ động, khẩn trương tiến hành các biện pháp cứu nạn, cứu hộ nhằm cấp cứu, tìm kiếm người bị nạn và khắc phục hậu quả thiệt hại xảy ra.

Để công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả cao, trong thời gian sớm nhất, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ thông báo rộng rãi đến các cơ quan thông tin, truyền thông, cơ quan, tổ chức, cá nhân và quần chúng nhân dân biết và phối hợp cung cấp những thông tin, tài liệu có liên quan đến người, phương tiện bị nạn và các thông tin khác có liên quan đến vụ việc trên.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ thành lập Tổ tiếp nhận thông tin khẩn cấp 24h/24h tại 03 địa chỉ sau:

1. Công ty quản lý đường bộ tỉnh phú Thọ, số 115, khu 22, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0913.282.825 (đồng chí Trung tá Trần Phương).

2. Trạm xăng dầu Công ty TNHH Huy Hoàng, địa chỉ: khu 5, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0989.246.129 (Đại úy Nguyễn Mạnh Hưng)

2. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, số 216 đường Trần Phú, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0919.333.689 (Thiếu tá Nguyễn Xuân Kha).

cau ss.jpg
Cầu Phong Châu trước và sau khi xảy ra sự cố

+ Lúc 14 giờ ngày 9-9, UBND tỉnh Phú Thọ vừa có báo cáo nhanh về sự cố sập, trôi cầu Phong Châu.

Báo cáo cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, tại Ấm Thượng đạt +27,25 m (trên báo động III 1,25 m). Do nước sông lên cao, chảy xiết, vào khoảng 10 giờ 2 phút ngày 9-9, cầu Phong Châu tại km18+300 quốc lộ 32C (kết nối 02 huyện Tam Nông, Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).

cau-phong-chau3.jpg
cau-phong-chau4.jpg
Lực lượng cứu hộ có mặt để tìm kiếm người mất tích

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chủ tịch UBND Phú Thọ đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo huy động các lực lượng chức năng (công an, quân đội, y tế, nhân dân địa phương…) triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp để cứu người, ứng phó, khắc phục sự cố.

Sơ bộ xác định tại thời điểm xảy ra sự cố có 8 phương tiện gặp nạn (trong đó: 1 xe tải, 1 xe con, 5 xe máy, 1 xe đạp điện); đã cứu, đưa 5 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Do nước lũ dâng cao, chảy xiết nên việc triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn; chưa xác định cụ thể về số người bị mất tích.

Tỉnh Phú Thọ đang đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Quân khu 2 và các lực lượng chức năng tích cực, khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện và các biện pháp cần thiết để tìm kiếm người mất tích; cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự.

+ Đến 13 giờ ngày 9-9, theo thông tin cập nhật, vụ sập cầu Phong Châu đã khiến nhiều người rơi xuống sông, 4 người may mắn được cứu và đã được đưa vào bệnh viện.

+ Trưa 9-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.

+ Trước đó, gần 10 giờ sáng nay 9-9, nhiều người dân khi vừa đi qua cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ thì nghe tiếng động lớn. Nhiệp cầu dài rơi xuống sông Hồng đang cuồn cuộn chảy.

Một số người dân cho biết, trên cầu thời điểm đó có ô tô, nhiều người lưu thông.

+ Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết đang có mặt tại hiện trường. Ông Hùng xác nhận: "Thời điểm sập cầu, có thể có phương tiện lưu thông trên cầu bị rơi xuống sông. Lực lượng chức năng đang ở hiện trường để tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn nên chưa xác định được thiệt hại".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông thông tin về vụ sập cầu Phong Châu.

+ Trực tiếp kiểm tra tại hiện trường vào trưa nay, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Tỉnh Phú Thọ báo cáo sơ bộ thiệt hại từ vụ sập cầu.

Theo báo cáo sơ bộ ban đầu cho thấy thiệt hại: 10 ô tô, 2 xe máy và có 13 người bị cuốn trôi.

sap-cau-phong-chau.jpg
Hiện trường cầu sập

Phó Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng ngăn chặn 2 đầu cầu, và dùng lưới để tìm kiếm người bị rơi xuống sông.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc có mặt tại hiện trường chỉ đạo việc cứu hộ, cứu nạn

Tuy nhiên tỉnh báo cáo giải pháp cứu hộ hiện tại đang gặp khó khăn do dòng nước xiết không thể cho người, phương tiện xuống ngay được. Thủ tướng đã có công điện giao Bộ Quốc Phòng, Công an huy động lực lượng thực hiện việc cứu nạn, cứu hộ.

+ Liên hệ với Bộ GTVT, cơ quan này cho biết: "Chúng tôi đã nhận được thông tin sập cầu Phong Châu. Cây cầu này hiện do Sở GTVT tỉnh Phú Thọ quản lý. Bộ GTVT đang yêu cầu địa phương báo cáo".

+ Lúc 13 giờ 50, Cục Đường bộ cho biết đã có công điện gửi Sở GTVT Phú Thọ, Khu Quản lý đường bộ I yêu cầu điều động nhân lực, thiết bị tham gia khắc phục các sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

cau-phong-chau2.jpg

Các đơn vị trên được giao lên phương án phân luồng giao thông qua các tuyến khác đảm bảo chất lượng, an toàn công trình cầu, đường. Đồng thời, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để các phương tiện và người tham gia giao thông tránh qua khu vực cầu Phong Châu, đặc biệt các phương tiện phòng chống khắc phục hậu quả bão số 3.

+ Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết Cầu Phong Châu đã bị trôi 2 nhịp, các cơ quan chức năng đang triển khai khẩn cấp các việc để xử lý sự cố công trình. Hiện dự án nay đang được sở GTVT Phú Thọ quản lý và đang lập báo cáo khẩn cấp sự cố công trình.

+ Lãnh đạo tỉnh cho biết, đây là tuyến lưu thông chủ đạo cho nên cần phải sửa chữa khôi phục ngay. Tỉnh đề nghị dùng quỹ khẩn cấp để triển khai làm mới cầu và Bộ GTVT sẽ phải thực hiện việc này trong 1 năm. Trước mắt để tạo điều kiện cho người dân qua lại thì dùng cầu phao.

cau-phong-chau1.jpg

Theo website Bộ GTVT, cầu Phong Châu nằm trên Quốc lộ 32C qua địa bàn tỉnh Phú Thọ đến các tỉnh Tây Bắc. Cây cầu nối hai huyện Tam Nông và Lâm Thao, được xây dựng, đưa vào khai thác từ tháng 7-1995, đã qua nhiều lần sửa chữa, đại tu. Bề rộng mặt cầu hẹp, lưu lượng người và phương tiện qua lại rất thường xuyên.

1.jpg

Cử tri Phú Thọ năm 2022 đã đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng cầu mới thay thế.

Trả lời ý kiến cử tri, Bộ GTVT cho biết nguồn vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mà Quốc hội quyết định theo Nghị quyết 29/2021/QH15 thì Bộ chỉ được phân bổ tổng số khoảng 304.104 tỉ đồng thấp hơn nhiều so với nhu cầu đầu tư khoảng 462.000 tỉ đồng.

cau-phong-chau.jpg

Vì vậy trước mắt Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ có thể duy tu, sửa chữa cầu Phong Châu từ nguồn bảo trì đường bộ. Việc đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng cầu mới sẽ cân nhắc khi khi cân đối được nguồn lực.

PLO tiếp tục cập nhật thông tin

Cầu Phong Châu bị sập, Công an tỉnh Phú Thọ tạm phân luồng giao thông

Do cầu Phong Châu (Km18+300, Quốc lộ 32C) bị sập, Công an tỉnh Phú Thọ thông báo phương án phân luồng giao thông như sau:

Các phương tiện từ cầu Đồng Quang, cầu Trung Hà, các huyện Thanh Thuỷ, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông); đi đường Hồ Chí Minh ;qua cầu Ngọc Tháp hoặc qua Quốc lộ 2; đi Lâm Thao, Việt Trì.

Các phương tiện từ Lâm Thao, Việt Trì đi Tam Nông, Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, Tân Sơn, cầu Đồng Quang, cầu Trung Hà theo chiều ngược lại.

Các phương tiện từ các huyện Thanh Thuỷ, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông); đi cầu Trung Hà; đi huyện Ba Vì, Hà Nội; đi cầu Văn Lang; đi Việt Trì, Lâm Thao. Các phương tiện từ Lâm Thao, Việt Trì đi Tam Nông, Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, Tân Sơn theo chiều ngược lại.

Các phương tiện từ các huyện Thanh Thuỷ, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Hà Nội, Vĩnh Phúc di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông); đi cầu Trung Hà hoặc; đi Tỉnh lộ 317G; đi Tỉnh lộ 317E; đi cầu Đồng Quang; đi huyện Ba Vì, Hà Nội; cầu Vĩnh Thịnh; đi Vĩnh Phúc.

Các phương tiện từ Hà Nội, Vĩnh Phúc đi các huyện Thanh Thuỷ, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Sơn theo chiều ngược lại.

Các phương tiện từ các huyện Thanh Thuỷ, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Sơn đi Vĩnh Phúc, Hà Nội và ngược lại có thể đi theo tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoặc tuyến Quốc lộ 2: Quốc lộ 32 (Tam Nông); đi đường Hồ Chí Minh; đi Quốc lộ 2; đi Vĩnh Phúc, Hà Nội hoặc Quốc lộ 32 (Tam Nông); đi đường Hồ Chí Minh; đi Nút giao IC9; cao tốc Nội Bài Lào Cai; đi Vĩnh Phúc, Hà Nội.

............................

Cầu Phong Châu từng bị xói lở trụ cầu, đến mức phải cấm phương tiện có tải trọng từ 18 tấn trở lên qua lại.

Cụ thể, trang web Bộ GTVT ngày 6-9-2019 cho biết, do ảnh hưởng của báo số 4 năm đó, nước sông Hồng lên cao, chảy xiết đã gây xói lở trụ T6 và T7 của cầu Phong Châu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện lưu thông qua cầu.

Vì vậy, tất cả các loại phương tiện có trọng tải từ 18 tấn trở lên sẽ không được lưu thông qua cầu Phong Châu. Sở GTVT Phú Thọ có trách nhiệm tổ chức phân luồng giao thông đối với các loại phương tiện có trọng tải từ 18 tấn trở lên theo hướng khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm