Sáng 23-5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đọc bản giải trình về dự thảo luật. Ảnh: Quốc Hội
Theo đó, về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tăng danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu lên 131 ngành, nghề (tăng 23 ngành, nghề so với dự thảo cũ).
Đồng thời, bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế-xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước tại từng đặc khu quyết định không áp dụng một hoặc một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại khu chức năng thuộc đặc khu nhằm tạo cơ chế linh hoạt trong quản lý, điều hành tại từng đặc khu.
Bản giải trình cũng nhấn mạnh quy định về nhà đầu tư chiến lược đã được chỉnh lý bổ sung các tiêu chí nhằm bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phù hợp với yêu cầu, mục tiêu phát triển của đặc khu. Đồng thời, quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược, bổ sung quy định về nghĩa vụ, điều kiện được hưởng ưu đãi của nhà đầu tư chiến lược, việc điều chỉnh ưu đãi đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư chiến lược không đáp ứng đủ điều kiện.
“Về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, các chuyên gia... Dự luật đã được chỉnh lý theo hướng thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư. Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định…”, ông Nguyễn Khắc Định thông tin.
Về miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, ông Nguyễn Khắc Định cho biết dự thảo luật lần này được chỉnh lý chặt chẽ hơn theo hướng thu hẹp phạm vi các dự án được miễn tiền thuê đất cho cả đời dự án. Phân biệt rõ các mức độ ưu đãi khác nhau đối với từng loại dự án đầu tư, trong đó cơ bản chỉ ưu đãi đối với các dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đặc khu.
Ông Nguyễn Khắc Định cũng cho biết về ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược... được chỉnh lý áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15% trong thời hạn 10 năm kể từ khi có doanh thu. Đồng thời, chỉ áp dụng ưu đãi này đối với hoạt động dịch vụ nói trên trong dự án khu phức hợp dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp đáp ứng điều kiện của nhà đầu tư chiến lược.
“Về các cơ chế, chính sách đặc biệt khác: bổ sung quy định mới về một số chính sách an sinh xã hội như chuẩn nghèo, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, thuê, mua nhà ở xã hội, xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi cho người lao động có thu nhập thấp….”, ông Định nhấn mạnh.
Về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở đặc khu, HĐND đặc khu có không quá 15 đại biểu, trong đó đa số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Không tổ chức Thường trực HĐND và các ban của HĐND. HĐND đặc khu có chủ tịch và một phó chủ tịch HĐND. Kết quả bầu chủ tịch HĐND đặc khu phải được UBTVQH phê chuẩn.
UBND đặc khu bao gồm chủ tịch, hai phó chủ tịch. Chủ tịch và phó chủ tịch UBND đặc khu không nhất thiết là đại biểu HĐND đặc khu. Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo giới thiệu của chủ tịch UBND cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
“Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở đặc khu, HĐND đặc khu chỉ quyết định một số vấn đề về nhân sự chủ chốt, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách đặc khu, chủ trương đầu tư và thu hồi đất, biện pháp tổ chức đời sống dân cư cũng như thực hiện chức năng giám sát. UBND đặc khu có trách nhiệm xây dựng để trình HĐND quyết định các vấn đề quan trọng của đặc khu; quyết định một số vấn đề về tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật…”, ông Định thông tin.