Cắt thành công bướu bạch huyết hơn 1 kg cho bé sơ sinh 3 ngày tuổi

(PLO)- Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phẫu thuật thành công khối bướu bạch huyết khổng lồ nặng 1,1 kg cho bé trai sơ sinh mới 3 ngày tuổi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Cắt thành công bướu bạch huyết hơn 1 kg cho bé sơ sinh 3 ngày tuổi

Sáng 29-11, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) tổ chức họp báo thông tin về ca phẫu thuật bướu bạch huyết khổng lồ nặng 1,1 kg cho bé trai sơ sinh ba ngày tuổi.

Theo ThS-BS Huỳnh Thị Phương Anh, trưởng nhóm phẫu thuật sơ sinh khoa Ngoại (BV Nhi đồng 1), bé trai bị bướu bạch huyết vùng mặt-cổ-ngực phải, gây chèn ép vùng cổ bên phải, lan vào các khoang tầng trên và dưới móng, xuống đến trung thất.

Đây là ca đặc biệt nhất trong nhóm bệnh tham gia vào chương trình EXIT mà BS BV Nhi đồng 1 tiếp nhận. Ảnh: TRẦN MINH
Đây là ca đặc biệt nhất trong nhóm bệnh tham gia vào chương trình EXIT mà BS BV Nhi đồng 1 tiếp nhận. Ảnh: TRẦN MINH

Theo đó, bé trai được sinh ra tại BV Từ Dũ sáng 15-11 và chuyển về BV Nhi Đồng 1 vào trưa cùng ngày trong tình trạng thở ôxy kèm khối bướu khổng lồ vùng mặt, cổ, ngực chèn ép cổ, khiến cột sống bị vẹo sang một bên.

Khối bướu này được phát hiện khi mẹ bé đi siêu âm ở tuần thai thứ 25. Khi thai 36,5 tuần, do khối bướu ngày càng lớn nên các BS phải mổ lấy thai. Ba ngày sau sinh, khối bướu tiếp tục phát triển khiến bé suy hô hấp, các BS quyết định phẫu thuật.

Sau 4 giờ phẫu thuật, các BS lấy hết bướu bao bọc bó mạch. Bé trai từ cân nặng 4 kg còn 2,9 kg do khối bướu đã cắt có trọng lượng 1,1 kg.

"Đây là ca đặc biệt nhất trong nhóm bệnh tham gia vào chương trình EXIT mà chúng tôi tiếp nhận. Các BS phải can thiệp phẫu thuật sớm cho bé vì ngoài chèn ép đường thở, khối bướu còn xuất huyết trong, nguy cơ bị vỡ” - BS Anh nói.

Theo ThS-BS Đào Trung Hiếu, cố vấn ngoại khoa BV Nhi đồng 1, khối bướu ăn lên sàn miệng, trung thất, khí quản, bao bọc phần lớn cổ nên phẫu thuật cực kì khó khăn, nguy cơ bệnh nhân tử vong trên phòng mổ bất cứ lúc nào. Nếu phẫu thuật không khéo sẽ rách phần miệng của bệnh nhân, ảnh hưởng đến sự phát triển của bé sau này.

"Khi phẫu thuật, các BS đã lấy hơn 90% bướu, phần còn lại trong trung thất phải dùng thuốc để tiêm xơ và sử dụng nhiều kỹ thuật điều trị hỗ trợ về sau.

Dù là bướu lành nhưng trong quá trình bóc tách vẫn tổn thương một số cơ, dây thần kinh và có khả năng tái phát. Nếu tái phát sẽ không phẫu thuật lại mà chỉ dùng thuốc để bướu ngưng phát triển" - BS Hiếu nói.

10 ngày sau phẫu thuật, bé hiện nằm khoa Hồi sức sơ sinh và được hỗ trợ hô hấp qua nội khí quản, điều trị kháng sinh tích cực. Vùng cổ bé còn rất yếu nên còn phải thở máy mặc dù huyết động học đã ổn định. May mắn là bé ăn uống được bằng đường miệng bình thường.

Bé trai hiện nằm khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi đồng 1. Ảnh: TRẦN MINH

Bé trai hiện nằm khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi đồng 1. Ảnh: TRẦN MINH

Trường hợp cực kì hiếm gặp

Bướu bạch huyết hình thành do sự bất thường của hệ thống bạch mạch, đa phần là bướu lành, thường xảy ra ở vùng đầu, mặt, cổ và nách. Bướu bạch huyết không hiếm gặp, tuy nhiên bướu nặng 1,1 kg thì ít thấy.

Trước đây, hầu hết trường hợp bướu vùng đầu, mặt, cổ to gây chèn ép đường thở, thai phụ sẽ được tư vấn chấm dứt thai kỳ. Nhưng từ năm 2019, kỹ thuật EXIT phối hợp giữa BV Từ Dũ và Nhi đồng 1 đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công gần 10 trường hợp có bướu to, chèn ép đường thở.

Kỹ thuật EXIT là đặt nội khí quản cho trẻ sơ sinh ngay từ khi vừa bắt ra tử cung, chưa cắt dây rốn, hỗ trợ hô hấp cho bé. Sau đó sẽ chuyển về BV Nhi đồng 1 để can thiệp.

ThS-BS HUỲNH THỊ PHƯƠNG ANH - Bệnh viện Nhi đồng 1

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.