Câu chuyện của những người thu gom rác

Ngày hội Tái chế chất thải lần 7 năm 2014 do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức đã kết thúc. Chương trình bao gồm nhiều hoạt động sôi nổi dành cho mọi đối tượng với ý nghĩa thiết thực. Thế nhưng không ồn ào, náo nhiệt như những gian hàng khác, Tổ chức hành động và phát triển vì môi trường (Enda Việt Nam) đã mang đến không gian lắng đọng, xúc động về… rác thải.

Tại ngày hội, với triển lãm Photovoice Rác: Sống & Yêu, khách tham quan đã có dịp thấu hiểu, nhìn nhận công việc khó khăn; khẳng định giá trị nghề nghiệp của người thu gom rác dân lập (NTGRDL). Từ đó giúp họ có tinh thần tự tin, lạc quan hơn, hòa nhập trong công việc và cuộc sống. Đồng thời, triển lãm góp phần nâng cao nhận thức người dân, cộng đồng trong việc chung sống, sinh hoạt và ứng xử bình đẳng với người thu gom rác. Đó cũng là sự tôn vinh rất cao quý bởi chính họ chung tay vào công cuộc bảo vệ môi trường và sự phát triển của TP.HCM.

 


Triển lãm trưng bày 50 tác phẩm là tâm sự xúc động của những người thu gom rác. Ảnh: NGỌC CHÂU

Được biết triển lãm Photovoice Rác: Sống & Yêu là một hạng mục thuộc dự án Tăng cường hòa nhập và tiếp cận an sinh xã hội dành cho người thu gom rác tại TP.HCM do Enda Việt Nam phối hợp cùng Mạng lưới Thế hệ xanh Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của Cộng đồng châu Âu (EC). Để thực hiện dự án, NTGRDL được cung cấp máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc cuộc sống và công việc của bản thân trong vòng một tháng. Mỗi bức ảnh sẽ là một câu chuyện về quá khứ và hiện tại; niềm vui và nỗi buồn; những thuận lợi và khó khăn trong chính cuộc sống, gia đình và công việc của họ. Kết quả, dự án đã chắt lọc được 50 hình ảnh trưng bày tại triển lãm. Bên cạnh đó, những tình nguyện viên là các bạn trẻ cũng tham gia dự án với vai trò tư vấn và hỗ trợ NTGRDL. Đây cũng là bài học quý giá, là dịp để bạn trẻ, người dân và cả chúng ta tự định hình góc nhìn, quan điểm của mình trước cuộc đời, số phận và công việc của những NTGRDL.

NGỌC CHÂU

 

Mấy người làm rác này họ đâu có cái niềm hãnh diện đi học tới nơi tới chốn đâu. Theo khảo sát, tôi mới biết rằng mấy năm gần đây, học cao nhất có tới lớp 7. Mấy người già già là gần như không biết chữ. Còn mấy đứa trẻ trẻ mới đi học thôi!

Tống Văn Thơm, NTGRDL quận 5

Người dân ở quận 4 này họ thương mình lắm! Ngày lễ, tết họ cứ hỏi sao không nghỉ đi và đi chơi đi! Rác để đó khi nào lấy cũng được mà nhưng mình tham công tiếc việc nên cũng ráng làm. Với lại để rác đó cũng đâu có ai lấy giùm đâu. Đi chơi về cuối cùng mình cũng phải làm nên không dám nghỉ! Tới rằm nhà họ nấu đồ ăn nhiều đem ra cho mình chút ít, thấy vui lắm. Tết ở phường cũng cho mỗi người được 30 kg gạo động viên anh em. Người dân họ cũng cho thêm tiền, cả năm nhờ được mấy ngày lễ, tết mới có dư chút đỉnh. Vui nhất là mấy người Việt kiều, họ đi mấy chục năm về vẫn thấy mình làm họ hỏi thăm rồi cho mình năm chục, một trăm. Chứ ngày thường thì hiếm người cho lắm.

Nói thật mình làm cái nghề này mười mấy năm rồi mà nhiều lúc mình cũng còn thấy rác rất hôi nữa chứ nói gì những người đi đường. Những người có ý thức, họ hiểu thì họ nói nhỏ nhẹ, lịch sự. Chứ có nhiều người họ kỳ thị rõ rệt luôn, gặp xe mình đậu lấy rác hơi lâu là họ đuổi đi.

Nguyễn Minh Phương, NTGRDL quận 4

Trước mặt tôi là một phụ nữ đáng khâm phục, một con người tần tảo ngược xuôi làm lụng vì gia đình - con cháu và nụ cười luôn nở trên môi. Một phút lặng cho tôi nhìn ngắm cái giây phút cô chợp mắt đôi chút trong cái bộn bề công việc đời thường này. Có lẽ đối với cô hạnh phúc chỉ giản đơn là khi mình hài lòng với thực tại. Con cháu vui đùa xem vô tuyến, quán nước mở ra cho mấy láng giềng ngồi kê cà tám chuyện cho vui nhà vui cửa. Quán nước mở ra đấy, trà đá tha hồ như tấm lòng cởi mở của người chủ quán, toàn mấy người khách quen, họ ngồi đến khuya, họ trông quán cho cô, họ tự uống, tự phục vụ, tự trả tiền… Chút nữa cô phải đi lấy rác, mệt quá cô nằm chợp mắt đôi chút. Phần vì để chỗ cho con cháu chơi trong nhà phần vì mát quá.

Trần Bé, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM,
tình nguyện viên dự án

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm