Dấu hiệu lạ đã xuất hiện trong ngành vận tải Việt Nam sau khi Công ty CP Đầu tư Phương Trang bổ nhiệm một nhà khoa học giữ cương vị chủ tịch HĐQT đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe VATO.
Người “chê tiền” đi làm kinh doanh
Việc tiến sĩ Nguyễn Bá Hải xuất hiện trong chiến dịch giảm giá cước và chiết khấu cho khách hàng và tài xế sử dụng ứng dụng VATO Bike đúng lúc đang diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt trên “mặt trận xe công nghệ” là một động thái đầy bất ngờ của Phương Trang.
Việc kinh doanh xưa nay vốn dĩ xa lạ với các nhà nghiên cứu khoa học. Ở Mỹ, chính phủ trả lương rất cao cho các khoa học gia để họ chuyên tâm “trú ẩn” trong phòng lab mà không phải tốn đầu óc và thời gian cho việc cơm áo, gạo tiền hàng ngày.
Nguyễn Bá Hải “ngày xưa” cũng na ná thế. Ông tốt nghiệp tiến sĩ ở Hàn Quốc năm 28 tuổi, song lại chê mức lương 5.000 USD làm việc ở Hàn Quốc mỗi tháng để chọn con đường trở về Việt Nam, tiếp tục đi làm bằng chiếc xe máy cà tàng với khát khao phụng sự xã hội.
Ông Nguyễn Bá Hải, chủ tịch VATO.
10 phút trình bày trong cuộc gặp gỡ giữa thủ tướng và 70 nhà khoa học trẻ năm 2015, ông đã lấy được ngân sách để nghiên cứu, chế tạo ra chiếc kính đeo cho người mù và khiếm thị. Chiếc kính này có tên gọi “Mắt thần” (Haptic Eyes), giúp người mù phát hiện ra chướng ngại vật trước mặt.
Đến đây, nhà khoa học Nguyễn Bá Hải – nay là chủ tịch VATO, đã từ chối “cầm một số tiền tương đối” để bán bản quyền phát minh của mình. Ông không muốn thương mại hóa “Mắt thần” để giúp đỡ người khiếm thị có thể tiếp cận được sản phẩm của mình với giá rẻ nhất.
Tiếp theo, vị tân chủ tịch VATO cũng đã tổ chức các khóa học sáng tạo kỹ thuật với học phí… 1 USD với hy vọng truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho các bạn trẻ với hy vọng cống hiến cho đất nước.
Không ai nghi ngờ Nguyễn Bá Hải – nhà khoa học, có một phẩm giá sáng ngời, nhưng với việc sở hữu hàng loạt “chiến tích” chê tiền nêu trên, liệu ông có giúp ích được gì cho VATO trong lĩnh vực kinh doanh?
Một thoáng Henry Ford 100 năm trước
Màn ra mắt đầu tiên để người ta phát hiện ra nhà khoa học này đã đầu quân về VATO bằng quyết định đột phá chỉ thu chiết khấu 5% trên mỗi cuốc xe đối với tài xế VATO Bike.
Trong khi đó, tài xế công nghệ của nhiều ứng dụng gọi xe khác vẫn đang bị thu chiết khấu từ 20-28%. Cụ thể Grab Bike là 23,6%, Grab Car là 28,6%, Be là 25%. Trước khi áp dụng chương trình này VATO và GoViet cùng áp dụng chính sách thu chiết khấu đối với tài xế là 20%.
Giá cước xe của ứng dụng VATO Bike cũng giảm sâu bằng chính sách đồng giá 8.000 đồng cho mỗi cuốc xe dưới 6 km và giảm 40% giá cho những cuốc xe trên 6 km.
Ứng dụng gọi xe Vato.
Hai quyết định trên - đem lại lợi ích cho khách hàng và giúp người lao đông tăng thu nhập, khiến tôi liên tưởng đến một nhà khoa học khác, sau trở thành một doanh nhân hàng thượng thặng trong ngành xe cộ này: Henry Ford.
Ông là cha đẻ của hãng xe Ford ngày nay, khởi đầu sự nghiệp đồ sộ của mình cũng từ những quyết định gây sốc. Năm 1914, trong lúc công nhân Mỹ đang hưởng lương 2,34 đô la mỗi ngày, Ford tuyên bố trả 5 đô la. Chưa hết, ông còn giảm thời gian làm việc của công nhân từ 9 giờ mỗi ngày xuống còn 8 giờ.
Quyết định “tăng lương, giảm giờ làm” của Ford đã tạo một đợt sóng thần di cư việc làm, đến nỗi cảnh sát phải can thiệp để đảm bảo an ninh cho nhà máy xe Ford ở Detroit. Ford sản xuất xe và bán ra thị trường với giá 850 đô la Mỹ, chỉ bằng 1/10 giá thành của các hiệu xe khác. Năm 1916, doanh thu bán xe Ford lập kỷ lục, đạt 206 triệu đô la Mỹ, lãi ròng 60 triệu đô la.
Lúc này, sự khác biệt giữa một kỹ sư chuyển sang kinh doanh với một nhà kinh doanh thuần túy xuất hiện. Henry Ford tuyên bố “60 triệu là mức lãi quá nhiều, chúng ta cần phải trả bớt lại cho người mua xe”.
Và ông đề nghị trích ra 40 triệu đô la lợi nhuận để trả lại cho khách hàng, mỗi người mua xe được hoàn trả 80 đô la; trích 19 triệu đô la để xây dựng nhà máy thép nhằm cung cấp nguyên liệu cho sản xuất. Ông chỉ dành 1 triệu đô la để chia cổ tức cho các cổ đông.
Ảnh minh họa
Tuyên bố của ông vấp phải phản ứng dữ dội từ cổ đông. Anh em nhà Dodge – cổ đông lớn nhất và cũng là nhà cung cấp máy móc thiết bị cho hãng đã kiện Henry Ford ra tòa vì cho rằng việc ông lấy cổ tức của cổ đông để tăng lương cho nhân công và hoàn trả tiền cho khách hàng là phạm luật.
Phiên xử là cuộc tranh luận dữ dội giữa triết lý “kinh doanh lợi nhuận phải chia cho cổ đông” của anh em nhà Dodge với “kinh doanh phục vụ cộng đồng là trách nhiệm của doanh nghiệp, không được thu lợi nhuận quá nhiều” của Henry Ford.
Sau hai phiên xử, tòa tuyên Henry Ford phải trích ra 20 triệu đô la để trả cổ tức cho các cổ đông, dù trong số này, ông được hưởng hơn 11 triệu đô la so với 1,9 triệu đô la của anh em nhà Dodge. Nhưng cũng từ đây, suy nghĩ “công ty của mình mà mình không làm được những gì mình muốn”, Ford tuyên bố nghỉ việc để gây sức ép mua lại toàn bộ cổ phiếu vì “hãng xe Ford mà không có Ford thì không còn là xe Ford”.
***
Câu chuyện của Henry Ford cùng với lời phát biểu "chúng tôi luôn có nhu cầu rất lớn về nhân sự. Vì thế chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng chính sách thu hút nhân tài, quản lý cao cấp, lập trình viên, lực lượng tài xế chạy xe công nghệ của Việt Nam, với nhiều chính sách ưu đãi” của tiến sĩ Nguyễn Bá Hải liệu có mở ra một chương mới trong cuộc chiến ứng dụng gọi xe hay không?