Theo ông, người lau chùi nhà vệ sinh cũng cần phải được đào tạo theo chuẩn, được cung cấp dụng cụ phù hợp và chất tẩy rửa chuyên nghiệp.
Với ông, những khẩu hiệu được viết trong các nhà vệ sinh công cộng không có mấy ý nghĩa. Ông nói đến những cách tiếp cận khác có kết quả hơn: chẳng hạn như giáo dục học sinh giữ vệ sinh ngay tại trường bằng cách chia nhà vệ sinh cho từng lớp quản lý, tức là trao cho các em ý thức làm chủ nhà vệ sinh đó. Ai không giữ vệ sinh, các em sẽ nhắc nhở “Bạn đã không giữ vệ sinh trong nhà vệ sinh của tôi”, các em lại trao đổi với gia đình, hàng xóm, ý thức đó sẽ được lan truyền ra cộng đồng.
Thế là từ sự kiện “Anh hùng nói chuyện về nhà vệ sinh” có thể gợi lên những điều thật đơn giản nhưng lại có ý nghĩa thật sâu sắc. Chí ít cũng cho thấy ngay trong việc quản lý nhà vệ sinh, làm cho nó sạch sẽ và tiện ích với nhu cầu rất bức xúc trong sinh hoạt của mọi người cũng đòi hỏi những tri thức được đào tạo có bài bản và được vận dụng trong những điều kiện mang tính chuyên nghiệp. Cùng với điều đó là phương pháp huy động ý thức và sức mạnh cộng đồng.
Và thế là chuyện nhà vệ sinh, một chuyện cứ ngỡ là nhỏ nhưng là một chỉ báo nghiêm minh về dân trí và trình độ văn minh mà một xã hội đạt được. Báo chí đã nhiều lần cảnh báo về hiện tượng trường học thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh quá mất vệ sinh để nếu phải vào đó là một cực hình. Nhiều khu du lịch không hút khách trở lại vì họ quá khiếp đảm về nhà vệ sinh ở đấy, cho dù cảnh quan thiên nhiên thì tuyệt vời. Ngay ở các sân bay “quốc tế” của ta thì chỉ riêng nhà vệ sinh cũng đã trực tiếp mách bảo với người nước ngoài về trình độ văn minh mà đất nước này phô ra tại nơi người ta vừa đặt chân đến. Nhìn kỹ, những thiết bị lắp đặt tại đó cũng hiện đại không kém gì những nơi sang trọng khácnhưng do cách quản lý thiếu chuyên nghiệp và cũng có thể cả thiếu trách nhiệm nên vẫn không có vệ sinh theo đúng nghĩa. Mà oái oăm thay, hai chữ vệ sinh ở đây lại đi liền với trình độ văn minh, năng lực quản lý và ý thức cộng đồng, nếu nhìn từ một góc độ khác thì còn là thể diện quốc gia.
Nếu ngẫm nghĩ sâu thêm chút nữa để thấy chuyện “nhà vệ sinh” trong lối sống của một xã hội đang trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa sẽ liên quan đến rất nhiều vấn đề, mà quan trọng nhất là nền tảng văn hóa của một xã hội đang biến đổi. Những thiết bị vệ sinh sang trọng và cực kỳ đắt tiền (cũng như tất cả những tiện nghi vật chất khác) được lắp đặt cho chủ nhân nhiều tiền nhưng lại ít tri thức có khi là sự phô bày kệch cỡm một lối sống trọc phú. Và tương phản với nó là một đại đa số vốn từng quen với nếp sống nông thôn sẽ rất khó thích nghi với lối sống đô thị.
Cho nên chuyện “nhà vệ sinh” cũng chính là chuyện văn hóa. Mà văn hóa được hình thành theo quy luật thẩm thấu, từng bước vững chắc và cơ bản, văn hóa rất kỵ với kiểu “tư duy nhiệm kỳ”!
TƯƠNG LAI