Cầu Ông Nhiêu mới nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh, nối hai phường Phú Hữu và Long Trường, quận 9, TP.HCM, được khởi công tháng 12-2017. Gần đây, vài hộ dân phía phường Phú Hữu có đơn cho rằng cầu mới đặt nhầm chỗ nên ảnh hưởng đến nhà, đất của họ.
Bị giải tỏa hai lần
Theo đơn, ông Nguyễn Anh Hoàng, nhà số 1010 Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, cho biết năm 1998 cầu Ông Nhiêu bằng sắt bị hư hỏng, TP có chủ trương xây dựng lại cầu mới bằng bê tông cốt thép ở ngay vị trí cầu cũ. Khi xây dựng thì chủ đầu tư lúc đó là quận 9 đã dịch chuyển vị trí cầu mới cách cầu sắt cũ 9 m về phía hạ lưu. Việc dịch chuyển này khiến phần lớn diện tích đất và nhà của ông Hoàng bị giải tỏa. Phần nhà, đất ít ỏi còn lại thì bị nằm trong hành lang an toàn của cầu và không được công nhận quyền sử dụng. Nay xây dựng cầu mới, chủ đầu tư là Sở GTVT TP lại tiếp tục dịch chuyển vị trí của cầu về hạ lưu khiến phần nhà, đất còn lại của ông coi như bị giải tỏa lần thứ hai, mất trắng. “Vợ chồng tôi già rồi, đều gần 80 tuổi, sẽ không biết đi đâu cả” - ông Hoàng nói.
Cạnh đó, ông Hoàng thắc mắc tại sao Sở GTVT không cho làm cầu mới ở phía thượng lưu, ngay vị trí cầu sắt xưa vừa đỡ tốn kém tiền bồi thường giải tỏa, vừa khỏi đụng đến nhà, đất của vợ chồng ông. “Phải chăng vì tôi đi khiếu nại đất đai hoài, mấy ông trên ghét, nay làm cầu cho “bay” nhà, đất của tôi luôn?” - ông Hoàng nêu thắc mắc.
Công trường xây dựng cầu Ông Nhiêu mới. Ảnh: LƯU ĐỨC
Làm cầu mới theo quy hoạch
Theo tìm hiểu của PV Pháp Luật TP.HCM, tại Thông báo số 150/TB-UBND ngày 8-9-2017 do Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng ký, năm 1998 quận 9 lên kế hoạch xây dựng cầu Ông Nhiêu mới tại ngay vị trí cầu sắt cũ. Quá trình triển khai cho thấy nếu làm như kế hoạch thì phải làm cầu sắt tạm khác hoặc làm phà để đảm bảo giao thông qua lại giữa hai phường Phú Hữu và Long Trường, sau đó mới tháo dỡ cầu sắt cũ, làm cầu mới tại ngay vị trí đó. Sau đó các sở, ngành và quận 9 thống nhất vẫn duy trì cầu sắt cũ để lưu thông trong khi thi công cầu mới bằng bê tông cốt thép cách về phía hạ lưu 9 m. Sau khi cầu mới xong thì phần đất ở phía thượng lưu, nơi vị trí cầu sắt cũ, được đưa vào quỹ đất dự phòng cho phát triển, xây dựng cầu, đường bộ sau này.
Năm 2001-2002, sau khi cầu mới làm xong, cầu sắt cũ được tháo dỡ. Đến năm 2012, UBND TP ban hành Quyết định 5758/QĐ-UBND về quy hoạch xây dựng quận 9 đến năm 2020. Theo đó, tuyến đường Nguyễn Duy Trinh có lộ giới là 30 m, trong đó có cầu Ông Nhiêu. Theo ông Đoàn Phú Đức, Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, đơn vị thay mặt Sở GTVT TP làm chủ đầu tư, vào tháng 10-2016, khi xây dựng dự án làm cầu Ông Nhiêu mới lần 2, bảy sở và UBND quận 9 thống nhất làm cầu bám theo tim lộ giới 30 m được quy định trong Quyết định 5758. “Khi xây dựng sẽ lấy tim đường dẫn và tim mặt cầu Ông Nhiêu hiện hữu làm tim cho cầu và đường dẫn mới. Như vậy, từ tim cầu và đường dẫn hiện hữu sẽ mở rộng đều ra mỗi bên 15 m. Khu 2 làm theo quy hoạch của TP và kế hoạch đã được thống nhất với các sở, ngành và quận 9 chứ không vì thương ai, ghét ai mà đặt cầu, đường mới lệch bên này, chừa đất cho bên kia!” - ông Đức cho biết.
Cầu Ông Nhiêu mới cao 6 m còn phục vụ cho tàu thuyền lưu thông trên tuyến rạch Ông Nhiêu đến sông Đồng Nai, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy tại khu vực Khu công nghiệp phức hợp Samsung, Khu công nghệ cao. |
Thu hồi đất theo đúng giấy đỏ
Theo hồ sơ quản lý nhà, đất của quận 9, từ năm 2001, Phòng Quản lý đô thị quận đã lập bản vẽ nhà, đất của ông Hoàng để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất (giấy đỏ). Theo đó, phần nhà và đất của ông Hoàng không được công nhận nằm hoàn toàn trong lộ giới, hành lang an toàn kỹ thuật của cầu Ông Nhiêu. Sau đó, tháng 6-2001, UBND TP đã cấp giấy đỏ cho ông Hoàng và vợ ông là bà Phạm Thị Bạch Tuyết. Tại giấy đỏ này, TP chỉ công nhận phần nhà ở và đất ở khoảng 190 m2. Phần đất và nhà còn lại nằm trong lộ giới và hành lang an toàn kỹ thuật của cầu đã không được công nhận.
Tháng 10-2016, Phó Chủ tịch UBND quận 9 Hoàng Minh Anh Tuấn có văn bản thống nhất với Sở GTVT về vị trí, quy mô và ranh dự án làm cầu Ông Nhiêu mới (lần 2) bám sát theo tim đường đã được quy hoạch như nêu trên. “Căn cứ theo quy hoạch, theo giấy đỏ và theo quy mô làm cầu thì không chỉ hộ ông Hoàng mà còn một số hộ khác có nhà, đất nằm trong lộ giới, ranh an toàn của cầu sẽ bị thu hồi để phục vụ cho việc xây cầu mới” - ông Huỳnh Công Trung, cán bộ tổ quản lý đô thị phường Phú Hữu, cho biết. Những hộ có đất thu hồi sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cấp bách làm cầu Đường Nguyễn Duy Trinh nối đường Vành đai 2 với xa lộ Hà Nội luôn tấp nập xe cộ. Những năm gần đây, tuyến đường này có nhiều xe tải lớn lưu thông. Trong khi cầu Ông Nhiêu cũ vừa chật hẹp vừa yếu, thường bị rung mạnh mỗi khi xe tải lớn chạy qua. Từ năm 2015, TP cho rằng việc xây dựng cầu mới thay thế cầu cũ là rất cấp bách và cần thiết để phát triển các khu dân cư dọc tuyến đường Nguyễn Duy Trinh. Tháng 12-2017, dự án xây mới cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh được thực hiện. Tổng chiều rộng cầu mới 19,5 m, dài 189,3 m, cao 6 m. Xây dựng khoảng 536 m đường dẫn hai đầu cầu phía phường Phú Hữu và phường Long Trường, tổng vốn đầu tư hơn 425 tỉ đồng. |