Khi dự án xây dựng cầu Phước Lộc (nối hai xã Phước Lộc và Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) được triển khai, người dân rất vui mừng bởi sắp có cây cầu kiên cố bắc qua sông, họ sẽ không phải đi phà nữa.
Tuy nhiên, bảy năm qua, người dân chỉ có thể nhìn mà không thể đi vì cây cầu nằm chỏng chơ trên cao, chưa có đường dẫn lên cầu.
“Nhìn cây cầu chỏng chơ mà đau lòng”
Theo quan sát của PV, cầu Phước Lộc khá vắng vẻ, đìu hiu và như đang bị bỏ hoang bởi ngưng thi công đã năm năm nay. Dự án đã xây dựng xong phần giữa cầu nhưng không thể sử dụng vì chưa có đường dẫn ở hai đầu cầu. Bên kia cầu (xã Phước Kiển) dừa gần như bao phủ khu vực làm đường dẫn lên cầu. Bên trong rào chắn công trình (xã Phước Lộc) có nhiều cột dầm, lưới B40, khối thép được dựng la liệt.
Ông Đỗ Linh, người dân khu vực, cho biết khi cầu Phước Lộc được triển khai xây dựng, giao thông giữa hai xã Phước Lộc và Phước Kiển được thuận tiện. Người dân di chuyển vào trung tâm thành phố cũng an toàn và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, dù có cầu mới nhưng người dân hằng ngày vẫn phải đi qua cây cầu Phước Lộc cũ chật hẹp, nguy hiểm, đặc biệt là các em học sinh.
Tương tự, bà Nguyễn Thanh Hường (ngụ trên đường Đào Sư Tích, xã Phước Lộc) bày tỏ: “Nhìn cây cầu chỏng chơ mà đau lòng. Tôi sợ sau này bắt đầu xây dựng lại thì sẽ không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, cầu Phước Lộc cũ cũng đã bị gãy nhịp, đang đắp lại tạm thời để đi, không biết bao giờ sập nữa. Đường Đào Sư Tích mà kẹt xe, người dân đổ dồn lên cầu này có nước sập cầu”.
Cầu Phước Lộc xây xong phần thân nhưng chưa có đường dẫn. Ảnh: THU TRINH
Khó khăn trong đơn giá bồi thường
Đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện Nhà Bè cho biết có 90 hộ dân nằm trong quy hoạch làm cầu, trong đó còn vướng ba hộ (hai hộ xã Phước Kiển và một hộ xã Phước Lộc). Những hộ còn lại đang trong quá trình tháo dỡ, chín hộ được bố trí tái định cư và chưa thực hiện cưỡng chế trường hợp nào.
Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho hay hiện tại còn một hộ dân phía địa bàn xã chưa bàn giao mặt bằng do chưa đồng ý với phương án bồi thường. Cụ thể, hộ dân này có nhà trong quy hoạch lộ giới, việc xây dựng không phép sau thời điểm Luật Xây dựng có hiệu lực.
“Về phía xã Phước Lộc sẽ tiếp tục kiến nghị xem xét các chính sách an sinh xã hội đối với các hộ dân giải tỏa trắng mà không được bồi thường nhà ở, đất ở do xây dựng sau thời điểm quy hoạch” - ông Trung nói.
Bà Nguyễn Thị Đẹp (hộ dân chưa đồng ý với đơn giá bồi thường) cho biết nguồn gốc mảnh đất có diện tích 180 m2 là đất nông nghiệp. Năm 2003 bà mua đất cất nhà đã lên đến 700-800 triệu đồng. Hiện Nhà nước bồi thường đơn giá 2 triệu đồng/m2.
Dự án cầu Phước Lộc bao gồm phần cầu chính, cầu dẫn, đường dẫn. Trong đó, phần cầu chính làm được 71% thì vướng mặt bằng. Dự án cầu có chiều dài 710 m. Trong đó, chiều dài cầu 386 m, chiều dài đường 323 m, tổng vốn đầu tư hơn 335 tỉ đồng từ ngân sách. Trong đó chi phí xây dựng 210 tỉ đồng, GPMB 38 tỉ đồng. |
“Như vậy với số tiền 280 triệu đồng không đủ mua đất huống chi là cất nhà cho con cái ở. Tôi mong Nhà nước bố trí cho chúng tôi mảnh đất để tái định cư” - bà Đẹp nói.
Trao đổi với PV về trường hợp của bà Đẹp, đại diện Ban BTGPMB huyện Nhà Bè cho biết bà Đẹp mua nhà năm 2003, nhưng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đưa ra công chứng là năm 2005. Thời điểm bà Đẹp xây dựng nhà có quyết định xử phạt hành chính, căn cứ vào quy định khu đất này vướng vào quy hoạch. Xét hai yếu tố trên thì nhà bà Đẹp không đủ điều kiện bồi thường về đất ở. Từ đó Ban BTGPMB chỉ có cơ sở bồi thường theo đơn giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, giá trị 2 triệu đồng/m2.
Vị đại diện này cũng cho hay khó khăn lớn nhất là đơn giá bồi thường, khi phê duyệt so với giá thị trường không tương đồng, quá chênh lệch. Đa số người dân mua đất ở đây là từ nơi khác đến, họ mua phải đất dính quy hoạch. Những người đầu cơ đất bán đất bằng giấy tờ tay không công chứng.
“Khi vào quy hoạch thì đơn vị bồi thường không có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ, ở không đúng thời điểm quy định thì không được bồi thường giá cao” - vị đại diện này nói.
Vị đại diện này thông tin thêm trong thời gian tới, Ban BTGPMB sẽ tiếp tục hỗ trợ, vận động người dân đồng thuận với chính sách bồi thường.
Ngưng thi công năm năm Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết khó khăn lớn nhất của dự án là công tác GPMB. Chính vì chưa bàn giao mặt bằng nên công trình phải ngưng thi công năm năm nay. Thời gian qua, UBND huyện Nhà Bè bắt đầu làm thủ tục điều chỉnh giá, phương án bồi thường theo Luật Đất đai cho người dân. “UBND huyện Nhà Bè hứa đến cuối năm 2019 sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Trường hợp UBND huyện bàn giao đúng hứa hẹn thì chỉ 1,5 năm là xong dự án này” - vị đại diện khẳng định. |