Cầu Phước Lộc hiện hữu nằm trên đường Đào Sư Tích, bắc qua rạch Long Kiểng, nối xã Phước Kiển với xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Ở khu vực này đang có hai công trình xây dang dở rồi bỏ đó gần 10 năm nay do vướng mặt bằng. Đó là công trình xây dựng cầu Phước Lộc mới và công trình làm 100 m bờ kè phía xã Phước Kiển.
10 năm đợi cầu
Năm 2008, nghe tin cầu Phước Lộc mới được xây dựng bà con xã Phước Lộc rất mừng. Có cầu mới, xã Phước Lộc nối thông vào trung tâm TP, không còn bị cách trở, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Tháng 6-2012, cầu mới chính thức được khởi công và dự kiến xong sau 17 tháng. Nhưng đến nay cầu mới chỉ là hai khối nhịp dầm đúc hẫng nằm chơi vơi giữa rạch và bờ. Hai đầu đường dẫn lên xuống cầu cỏ mọc um tùm, xen lẫn những đám dừa nước tối um.
Trong khi đó cầu cũ gần bên đã mục, xuống cấp, có thể sập bất cứ lúc nào. Hiện ở hai đầu cầu Phước Lộc cũ, người dân dựng hai thùng phuy đổ đầy bê tông nhằm chặn xe ba gác đi qua.
Theo ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Khu 4, chủ đầu tư dự án), hơn một năm sau ngày khởi công, dự án phải dừng thi công do vướng mặt bằng. Nhà thầu thi công buộc phải rút đi, để lại giữa rạch và bờ là trụ cầu, nhịp dầm dang dở, chơ vơ...
Cầu Phước Lộc mới, huyện Nhà Bè, TP.HCM ngưng thi công từ nhiều năm nay. Ảnh: LƯU ĐỨC
Được biết hiện phía xã Phước Kiển còn 33 hộ chưa đồng ý giải tỏa mặt bằng, phía xã Phước Lộc là 51 hộ. Theo các hộ dân xã Phước Lộc, họ sống chỉ cách xã Phước Kiển một cây cầu mà giá bồi thường hai xã chênh nhau quá lớn nên họ chưa chịu. Theo đó, giá bồi thường phía Phước Lộc là 15-17 triệu đồng/m2 trong khi phía xã Phước Kiển là 25-30 triệu đồng/m2. Theo ông Nguyễn Thành Trung (Chủ tịch UBND xã Phước Lộc), xã và huyện đã nhiều lần giải thích đất giữa các xã, khu vực dù cách nhau chỉ một con đường, một bờ rạch nhưng luôn chênh nhau. “Xã và huyện đã “mở” cho người dân bằng cách nói họ đưa 4-5 hợp đồng mua bán đất thành công ở khu vực xã Phước Lộc có giá cao nhất để chúng tôi làm cơ sở nhưng dân thì cứ đòi phải lấy theo giá của xã Phước Kiển. Vì vậy việc áp giá cứ bị nhì nhằng, kéo dài, còn cầu thì cứ mỏi mòn chưa biết ngày nào xong!” - ông Trung nói.
Đến cuối tháng 3-2018, theo tin từ Khu 4, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè đã vận động được 31 hộ đồng ý nhận tiền bồi thường, ngoài ra đã có 28/84 hộ dân của hai xã đã nhận tiền. Hiện nay Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè đang tiếp tục tiếp xúc, vận động các hộ dân.
Vướng nhà cán bộ
Hơn 20 năm trước, bờ rạch Long Kiểng ở cả hai bên xã Phước Kiển và Phước Lộc, gần khu vực hạ lưu cầu Phước Lộc cũ là trọng điểm về xói lở. Cuộc sống của người dân luôn bị đe dọa vì tình trạng xoáy nước, lở bờ, nhất là vào mùa mưa. Năm 2006, dự án chống sạt lở bờ hai bên khu vực cầu Phước Lộc được phê duyệt nhưng phải đến hơn 10 năm sau dự án mới triển khai được vì vướng mặt bằng.
Theo thiết kế xây dựng, cầu Phước Lộc mới dài 386 m, rộng 10,5 m với tổng vốn đầu tư hơn 335 tỉ đồng từ ngân sách. Trong đó, chi phí xây dựng 210 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng 38 tỉ đồng. Nếu tới đây huyện Nhà Bè giao mặt bằng sạch thì cầu Phước Lộc sẽ được thi công trở lại và hoàn thành sau 8-10 tháng. Ông NGUYỄN XUÂN VINH, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 4, Sở GTVT TP |
Năm 2017, dự án được triển khai thi công và dự kiến đến đầu năm 2018 thì xong. Nhưng đêm 7-8-2017, một đoạn hơn 40/100 m kè bê tông phía ấp 3, xã Phước Kiển sắp thi công xong bị đổ ập xuống rạch. Sự cố làm gián đoạn công trình và người dân trong khu vực lo ngại phần kè đã xong và phần bờ chưa có kè gần đó có thể đổ sập, xói lở tiếp vì dòng chảy của nước qua khu vực rất xoáy.
Cuối tháng 3-2018, Sở GTVT TP có quyết định điều chỉnh thiết kế và cho thi công trở lại, khắc phục đoạn kè bị sạt lở. Nhưng báo cáo mới nhất của Khu Quản lý đường thủy nội địa (chủ đầu tư công trình, thuộc Sở GTVT TP), công trình chưa thể làm lại được vì vướng tường rào, nhà bếp, nhà vệ sinh của hộ bà BTTH với chiều dài giải tỏa là 20 m, rộng 1,5-3,5 m. Theo một cán bộ xã Phước Kiển, bà H. có chồng là một cán bộ lớn làm ở Sở GTVT. “Nhiều hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của công trình, xã còn vận động bàn giao mặt bằng được. Còn với hộ bà H. sao khó quá!” - vị cán bộ xã Phước Kiển nói.
Hàng loạt công trình “đứng hình” vì vướng mặt bằng Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện có hàng loạt công trình trọng điểm tháo gỡ ách tắc giao thông bị đình trệ vì vướng mặt bằng. Cụ thể, hầm chui nút giao An Sương (nhánh hầm N2, từ huyện Củ Chi hướng vào nội đô) bị vướng khoảng 30 hộ, cơ sở thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Nhánh cầu vượt từ đường Nguyễn Kiệm qua đường Nguyễn Thái Sơn bị vướng 40 hộ, đơn vị nằm bên phía Công viên Gia Định, quận Gò Vấp. Cầu vượt, nút giao Mỹ Thủy (quận 2) bị vướng nhiều nhà dân nằm trong vùng vòng xoay, nhánh rẽ đi các hướng. Đường Lương Định Của mở rộng bị vướng nhà dân và đất của các dự án đô thị lấn vào ranh lộ giới. Cầu Ông Nhiêu (quận 9) bị vướng một số hộ dân phía phường Phú Hữu. Đường Phạm Văn Bạch mở rộng (quận Tân Bình) bị vướng các hộ dân hai bên, trong đó nhiều hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng… |