“Đây là công trình quốc gia cực kỳ quan trọng vì nó nhằm nâng cao năng lực vận tải của ngành đường sắt, đón đầu cho sự phát triển sau này”.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đã nhấn mạnh như trên trong buổi giám sát thực địa về dự án xây cầu đường sắt Bình Lợi mới (bắc qua sông Sài Gòn, TP.HCM) và nạo vét luồng sông, ngày 5-5.
Vướng đủ thứ
Tuy nhiên, tại buổi giám sát, các đại biểu nêu thực tế là công trình được động thổ từ ngày 28-4-2014 nhưng đến nay ở phía bờ quận Bình Thạnh mới chỉ có ba trụ cầu nhô lên khỏi mặt đất.
Theo ông Vũ Đức Cúc, đại diện chủ đầu tư dự án, công trình chậm hoàn thành hơn một năm là do vướng cáp ngầm, cáp điện trên cao, cáp quang đường sắt phục vụ cho hệ thống thông tin tín hiệu của ngành này. Ngoài ra còn vướng 36 hộ dân phía quận Bình Thạnh chưa giải tỏa được... Ở phía quận Thủ Đức cũng vướng đường điện 220, 110 kV và đường ống nước D 900...
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên đặt vấn đề, các công trình cáp điện, cáp quang, cáp viễn thông và cáp tín hiệu đường sắt... đều là của các cơ quan, công ty nhà nước, sao lại gây cản trở cho nhau, chậm giải tỏa, di dời? Ngay như công trình phục vụ cho ngành đường sắt là bên tín hiệu đường sắt cũng chậm dời...
“Như thế có phải là các cơ quan nhà nước, các cơ quan cùng trong ngành, bộ tự “giẫm đạp” lên nhau nên công trình mới bị chậm!?” - ông Kiên nói.
Được động thổ từ ngày 28-4-2014 nhưng đến nay, phía bờ quận Bình Thạnh mới có ba trụ cầu nhô lên khỏi mặt đất. Ảnh: LĐ
Dự kiến cầu sắt Bình Lợi mới sẽ cao 7 m, giúp việc lưu thông đường thủy dễ dàng hơn. Đồ họa: TG
Giữ lại phần cầu cũ 100 tuổi
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác công tư (Vụ PPP - Bộ GTVT), giải trình đường cáp tín hiệu đường sắt hiện vẫn phục vụ cho chạy tàu qua cầu Bình Lợi cũ nên chậm được di dời.
Ông Kiên cho rằng việc di dời, đấu nối lại hệ thống cáp tín hiệu chạy tàu này tại vị trí mới chỉ làm một buổi là xong. Bộ GTVT và ngành đường sắt cần coi lại sự phối hợp, chia sẻ trách nhiệm vì công việc chung, vì công trình quốc gia...
Ngoài ra, theo ông Kiên, công trình BOT luồng sông Sài Gòn là công trình BOT đầu tiên của cả nước trên lĩnh vực đường sông nên việc tổ chức thu phí tàu thuyền từ trên 300 tấn đi qua phải thực sự khoa học, minh bạch...
Cạnh đó, sau khi cầu mới xây xong, Bộ GTVT, ngành đường sắt, đường sông cần có phương án giữ lại một phần cầu Bình Lợi cũ. Bởi cầu hơn 100 năm tuổi và cũng là nơi ghi dấu tích hướng tiến quân trong hai đợt tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968.
Phát triển mạnh kinh tế đường sông Tại buổi giám sát, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Hoàng Hồng Giang cho hay cơ quan chức năng sẽ lắp camera, radar để giám sát việc thu phí qua luồng sông Sài Gòn được nạo vét. Riêng về lưu giữ dấu tích cầu Bình Lợi cũ thì là vấn đề mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gợi ý nên Cục sẽ bàn với Bộ GTVT và ngành văn hóa để có phương án thích hợp. Trước vấn đề TP.HCM sẽ phát triển vận tải đường sông như thế nào khi cầu Bình Lợi mới cao 7 m thay cho cầu cũ cao 1,5 m hoàn thành, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường thông tin TP đã có kế hoạch phát triển buýt sông, tàu du lịch, tàu thuyền vận chuyển hàng hóa để giảm tải cho đường bộ. |