Nguyễn Xuân Son khoác áo tuyển Việt Nam góp công lớn đưa đội lên ngôi vô địch AFF Cup lần thứ 3. Làn sóng cầu thủ Việt kiều lại nóng trở lại. Họ muốn khoác áo tuyển Việt Nam, “chưa đỗ ông nghè, đã đe hàng tổng”.
Thích cách dùng thủ môn Đình Triệu của HLV Kim Sang- sik
Tuy nhiên hầu hết cầu thủ Việt kiều của Việt Nam thường có đặc trưng là mang trong mình dòng máu Việt Nam như kiểu Đặng Văn Lâm, hay Nguyễn Filip vậy.
Sự ảo tưởng khi ta trưởng thành từ bóng đá châu Âu về Việt Nam thừa sức khoác áo tuyển Việt Nam là một sai lầm. Thậm chí nhiều cầu thủ Việt kiều chơi thứ bóng đá như phong trào cũng đòi khoác áo tuyển Việt Nam mới chịu.
Hiện nay VFF cũng đã có thông điệp rất rõ ràng là những cầu thủ mang hai dòng máu ấy cũng có thể nhập tịch nhưng không ồ ạt.
Thực ra phải hiểu rằng, một cầu thủ được các CLB châu Âu cho ra đi dù chuyên môn không cao, chuyển nhượng được vài ngàn USD là họ thực thi chuyển nhượng, chứ không tự do cho ra đi.
Nhiều cầu thủ rất kém, nhưng được cái tinh ranh biết “làm truyền thông” để được “bơm” lên khi về khoác áo đội tuyển, hoặc các tuyến trẻ của đội tuyển. Nhưng thử việc ở CLB thì hỡi ôi, trình độ của họ chỉ ở dạng phong trào.
Chuyện chưa về và chưa hiểu bóng đá Việt Nam mà đã đòi khoác áo đội tuyển ngay là thiếu hiểu biết, xem thường bóng đá Việt Nam. Nếu như các tiểu ban chuyên môn mà vội vã đánh giá “ảo” hay vì lý do gì đó đưa vào một cá nhân vào đội tuyển, không đáp ứng được chuyên môn là điều rất tệ hại.
Bóng đá, cấp độ đội tuyển quốc gia không hề đơn giản. Trong quá khứ gần 2 thập niên qua, biết bao nhiêu cầu thủ Việt Kiều được “bơm” khi chưa thể hiện được ở Việt Nam khiến nhiều CLB, lẫn các tuyến đội tuyển đã từng mắc sai lầm khi họ thể hiện rất đáng thất vọng.
VFF hay bất kỳ tiểu ban chuyên môn nào cũng không nên quá tốn thời gian vào chuyện cầu thủ Việt Kiều được truyền thông đưa lên tận mây xanh.
Có một thực tế phải nhìn nhận, là cầu thủ Việt kiều giỏi, xuất sắc thì họ đá ở châu Âu, lương tuần cũng vài chục ngàn đến 60, 70 ngàn USD, điều kiện thi đấu sân bãi lại cực cao, dễ phát triển chuyên môn thì rất cân nhắc chuyện về VN thi đấu.
Chẳng hạn như David Alaba của Real Madrid, có bố người Nigeria, mẹ người Philippines, gia đình sinh sống tại Áo. Trước đây phái đoàn của LĐBĐ Philippines sang mời Alaba về khoác áo tuyển Philippines đá AFF Cup, nhưng anh từ chối, lúc đó Alaba sắp đầu quân cho Bayern Munich. Bây giờ Alaba là trụ cột của đội tuyển Áo.
Dùng truyền thông tô hồng "lăng xê” suy cho cùng thiệt hại khủng khiếp từ nhiều phía. Thiệt hại từ đội tiếp nhận vì tốn tiền, đến thiệt hại cho chính cầu thủ đó, vì người hâm mộ mong đợi nhưng cầu thủ lại không có thực lực. Thiệt hại vì tốn thời gian tạo điều kiện.
Hiện nay, tuyển Việt Nam có HLV ngoại, cụ thể là HLV Kim Sang-sik, trợ lý thủ môn là ông Lee Won-jae, một thủ môn huyền thoại của bóng đá Hàn Quốc. Mọi khả năng chuyên môn, hay được chọn vào đội tuyển hay đội hình xuất phát đều dựa trên triết lý xây dựng của họ và phong độ của cầu thủ. Những nhà chuyên môn này chẳng mù mờ, hay cũng chẳng bị tác động từ ai để mà đưa những cầu thủ không xứng tầm vào đội tuyển.
AFF Cup 2024, thủ môn Đình Triệu được làm số 1 trong khung thành sau hai trận đầu thuộc về Nguyễn Filip là một tín hiệu tốt, sự phấn đấu đáng ghi nhận và cũng gởi đến những thủ môn nội khác thông điệp “hãy phấn đấu, đừng bỏ cuộc”.