Cấu trúc lại ngành thủy sản không phải vì đối phó EC

(PLO)- Theo bộ trưởng, việc chấn chỉnh ngành thủy sản không phải để đối phó với đoàn kiểm tra EC mà còn vì tương lai và hình ảnh đất nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về tình hình, kết quả chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU trên địa bàn tỉnh.

Cải tổ ngành thủy sản không phải vì đối phó EC
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đi thực tế tại cảng Cát Lở Vũng Tàu. Ảnh: TK

Hành động vì trách nhiệm với môi trường, tài nguyên quốc gia

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ về việc gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC) cũng như việc cấu trúc lại, hướng phát triển mới cho ngành thủy sản Việt Nam trong tương lai.

Bộ trưởng đánh giá sự cố gắng, nỗ lực hết mình từ Trung ương tới địa phương và sự đồng hành của bà con ngư dân nên hệ sinh thái biển của từng địa phương đã được cải thiện. Từ ngành ngư nghiệp truyền thống manh mún, nhỏ lẻ, tự phát để hướng tới một ngành ngư nghiệp minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Theo Bộ trưởng, không phải chờ tới châu Âu áp đặt thẻ vàng IUU với Việt Nam mà Luật Thủy sản năm 2017 đã nghiêm cấm đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Tuy nhiên, do nhiều lý do chúng ta làm không tốt nên EC áp đặt IUU với ngành thủy sản Việt Nam.

“Lần này chúng ta không chỉ vì IUU mà còn vì thế hệ tương lai, vì nguồn sống xanh của người Việt Nam. Chúng ta không phải đối phó với IUU nữa mà hành động vì đất nước, vì hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế” - Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, nhiều năm trước đặt trong bối cảnh đất nước thời điểm đó, Đảng, Nhà nước khuyến khích bà con ngư dân ra khơi để làm nhiệm vụ kép là vừa khai thác biển làm kinh tế, vừa đảm bảo chủ quyền quốc gia. Hiện nay, toàn cầu hướng tới một nền đại dương xanh, thủy sản xanh thì không cho phép khai thác kiểu tận diệt môi trường, đại dương cũng như xâm phạm vào vùng biển quốc gia khác.

Trong giai đoạn này, mỗi chủ tàu, mỗi ngư dân, doanh nghiệp, nhà vựa, đầu nậu phải có nghĩa vụ tham gia cùng đất nước để cải thiện hình ảnh, để rút thẻ vàng của EC. Bộ NN&PTNT cũng vừa trình Chính phủ chủ trương giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển. Bộ trưởng cho rằng so với bình quân trên thế giới, số tàu đang đánh bắt ngoài biển ở nước ta rất đông, muốn giảm thì phải tạo ra sinh kế khác cho ngư dân.

“Nhiều bà con ngư dân nói cuộc đời họ gắn với biển, mấy đời rồi, nghe mùi nước biển, gió biển quyến luyến lắm, không nỡ bỏ biển khơi dù nhiều khi biết ra đó nguy hiểm, rủi ro. Do đó, Chính phủ cũng có những chính sách để tạo điều kiện cho bà con dần dần” - Bộ trưởng chia sẻ.

“Lần này chúng ta không chỉ vì IUU mà còn vì thế hệ tương lai, vì nguồn sống xanh của người Việt Nam. Chúng ta không phải đối phó với IUU nữa mà hành động vì đất nước, vì hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.”

Ba trụ cột của ngành thủy sản

Về phía tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cần quy hoạch những không gian nuôi biển, đưa ngư dân tham gia các hợp tác xã, hướng dẫn nuôi lồng bè để chủ động hơn, giảm mật độ đội tàu. Mỗi bến cảng có ban quản lý bến cảng, Chi cục Thủy sản, nhà vựa, đầu nậu, doanh nghiệp và ngư dân xuất, cập bến làm sao gắn bó, hỗ trợ để tạo ra hệ sinh thái từng cảng.

Bộ trưởng thông tin phía EC cũng thống nhất sẽ giúp Việt Nam nguồn lực để phát triển kinh tế biển bền vững và hiện đại. “Tư lệnh” ngành nông nghiệp khẳng định không thể tiếp tục với một ngành ngư nghiệp thiếu bền vững như hiện nay mà cần tranh thủ hỗ trợ của EC. Bộ trưởng đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan cần hành động nhanh nhất để trong tháng 5 tới có thể thuyết phục được EC.

Theo ông, đây là cơ hội của Việt Nam để cấu trúc lại nghề cá, một ngành thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững; cân đối giữa khai thác, nuôi trồng với bảo tồn để làm sao nguồn lợi thủy sản sinh sôi, nảy nở.

“Thẻ vàng IUU cũng là dịp để ta nhìn lại mình, cấu trúc lại từ trung ương tới địa phương 28 tỉnh ven biển. Theo đó, chúng ta cùng thống nhất hành động để làm sao bà con ngư dân khai thác có văn hóa với biển, văn hóa ứng xử tốt với môi trường” - Bộ trưởng bày tỏ.

Với riêng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ trưởng tin tưởng sẽ là địa điểm an toàn nhất trong đợt kiểm tra của EC sắp tới. Ông Hoan yêu cầu tỉnh có những quy hoạch, phát triển mới cho ngành thủy sản theo ba trụ cột là giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển.•

Bà Rịa-Vũng Tàu không còn tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ

Theo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ tháng 8-2022 đến nay, tỉnh không có tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ. Tỉnh đã khắc phục, xử lý hai tồn tại, hạn chế mà đoàn thanh tra EC đã chỉ ra trong lần thanh tra thứ tư (tháng 10-2023). Đó là xử phạt chủ tàu cá không có giấy phép khai thác, mất kết nối giám sát hành trình (VMS) vẫn hoạt động trên biển với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng và xử phạt tám tàu cá không rõ số đăng ký ở cảng Phước Hiệp (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền).

Riêng với đội ngũ tàu cá “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không có) toàn tỉnh hiện có 1.081 tàu. Hiện tỉnh giao các ngành, địa phương cấp, vẽ số tạm để quản lý, dự kiến hoàn thành trong tháng 4.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm