Cảnh mua bán tấp nập ở cảng cá Thọ Quang tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.

Chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển"

Quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU trong 2 tháng tới

(PLO)- Muốn gỡ được thẻ vàng thì chúng ta phải chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Từ khi ngành thủy sản bị cảnh báo thẻ vàng vào năm 2017, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp, chương trình nhằm ngăn chặn và loại bỏ hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Sau hơn 6 năm triển khai, nghề cá Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tốt và phát triển ngày càng bền vững hơn.

Ủy ban châu Âu (EC) chuẩn bị sang Việt Nam để thanh tra, kiểm tra lần thứ năm về hoạt động chống khai thác IUU. Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư thuộc Bộ NN&PTNT.

Quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU trong 2 tháng tới
Cảnh mua bán tấp nập ở cảng cá Thọ Quang tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Ảnh: MINH TRƯỜNG

EC sẽ sang sớm hơn dự kiến

. Phóng viên: EC đã thông báo cụ thể về lịch trình sang Việt Nam thanh tra lần thứ năm về hoạt động chống khai thác IUU chưa, thưa ông?

P3_Chinh_h1_anh-tem.jpg

+ Ông Nguyễn Quang Hùng (ảnh): Kế hoạch của EC dự kiến sang Việt Nam vào tháng 6 nhưng cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan làm việc với một số đối tác châu Âu thì dự kiến họ sẽ sang sớm hơn. Ngày chính xác chưa được báo nhưng có thể vào giữa hoặc cuối tháng 5.

Trong kế hoạch, Việt Nam sẽ phải gửi cho EC thông tin tiến độ từ kết quả kiểm tra tháng 10-2023. Họ yêu cầu gửi trước ngày 1-4. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện báo cáo để gửi cho phía bạn.

. Liệu rằng chúng ta có thể gỡ được thẻ vàng trong lần thanh tra sắp tới không, thưa ông?

+ Đây là câu hỏi rất khó trả lời. Từ cấp cao nhất đến địa phương đều mong muốn gỡ được thẻ vàng. Chúng ta đã rất nỗ lực, khả năng rất khó nhưng chúng ta vẫn phải quyết tâm. Với góc độ là đơn vị đầu mối tổng hợp các hoạt động chống khai thác IUU, thời gian tới, đặc biệt là trong hai tháng tới, muốn gỡ được thẻ vàng thì chúng ta phải giảm thiểu đến mức tối đa và chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

98% tàu cá khai thác vùng khơi đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nên bây giờ tàu cá đi đâu về đâu cũng đều nắm rõ được.

Thủ tướng đã chỉ đạo đối với trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm mất kết nối giám sát hành trình VMS và các vi phạm pháp luật khác thì phải củng cố hồ sơ và xử phạt thật nghiêm.

Hiện các tỉnh, các đơn vị thực thi pháp luật đang rất nỗ lực, điển hình là vụ khởi tố tàu cá ngư dân khai thác vùng biển nước ngoài với mức phạt 8-9 năm tù.

Chúng ta đã tuyên truyền pháp luật trong sáu năm qua thì không thể có chuyện ngư dân nói không biết được, mà là cố tình vi phạm. Việc xử phạt nghiêm thể hiện tính răn đe rất cao, từ đầu năm đến nay mới có năm tàu cá vi phạm.

da-nang-chong-khai-thac-iuu-vi-quyen-loi-cua-ngu-dan.jpg
Ông Cao Văn Hoàng (56 tuổi, ngụ phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), chủ tàu cá có công suất 400 CV. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Ngoài chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, sẽ tăng cường xử phạt vi phạm hành chính, hai tháng tới không để vụ việc nào hợp thức hóa hồ sơ, nhất là nguyên liệu nhập khẩu.

Cuối cùng, EC quan tâm nhiều hơn là quản lý chặt chẽ đội tàu. Ngoài ra, các hoạt động khác, chúng ta cần làm thường xuyên, tích cực hơn, làm với quyết tâm 200%-300% để gỡ thẻ vàng trong giai đoạn ngắn hạn và phát triển thủy sản bền vững.

Ngoài mục tiêu ngắn hạn là gỡ thẻ vàng, Thủ tướng Chính phủ đã ký nhiều chương trình, quy hoạch cho kế hoạch phát triển dài hơi, không phải gỡ thẻ vàng xong là “ngồi chơi” mà phải chuẩn bị cho phát triển các đề án, các chương trình lớn của ngành.

P3_Chinh-3.jpg
Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng là cảng cá lớn nhất miền Trung với khoảng 2.000 tàu thuyền neo đậu thường xuyên. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Nhiều chuyển biến tích cực

. Ông đánh giá nghề cá của chúng ta đã thay đổi thế nào kể từ khi bị cảnh báo thẻ vàng thủy sản đến nay?

+ Có thể nói nghề cá của Việt Nam thay đổi rất nhiều và thay đổi theo chiều hướng tích cực, bởi trước đây đánh bắt cá có đặc thù về đặc điểm khai thác truyền thống, quy mô nhỏ, số lượng tàu lớn. Tuy nhiên, sau sáu năm, chúng ta cũng đã đạt được những kết quả rất tốt.

Thứ nhất, hiện chúng ta cơ bản kiểm soát được số lượng tàu cá và số hóa trên cơ sở dữ liệu quốc gia theo hướng chuyển đổi số. Thứ hai, 98% số lượng tàu cá khai thác vùng khơi đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Bây giờ, tàu cá đi đâu về đâu chúng ta đều nắm rõ được.

Thứ ba, trước đây việc kiểm soát nguyên liệu qua các cảng cá và kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu qua các cảng biển còn hạn chế. Tuy nhiên, hiện chúng ta kiểm soát được tất cả hàng này, đảm bảo hàng xuất đi thị trường châu Âu và các thị trường khác đều đảm bảo pháp lý, đầy đủ hồ sơ, tần suất hàng bị trả lại rất thấp.

da-nang-chong-khai-thac-iuu-vi-quyen-loi-cua-ngu-dan-1.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Sơn Trà kiểm soát tàu cá kết hợp tuyên truyền chống khai thác IUU. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Thứ tư, trước đây các lực lượng thực thi pháp luật trên biển còn mỏng dẫn đến các hoạt động bị hạn chế. Nhưng sáu năm qua, tất cả lực lượng có quy chế phối hợp, ra quân đồng loạt, đã góp phần trong việc giảm thiểu tối đa các hành vi khai thác bất hợp pháp của bà con ngư dân trên biển.

Khung pháp lý cũng thay đổi rất nhiều, trong đó Luật Thủy sản là bước tiến lớn cho ngành thủy sản hướng tới phát triển bền vững, từng bước nội luật hóa các quy định về tổ chức nghề cá trong khu vực và thế giới.

. Xin cảm ơn ông.

Ban Bí thư sẽ ra chỉ thị về chống khai thác IUU

Vấn đề thẻ vàng không chỉ là câu chuyện con tôm con cá, không phải vấn đề của ngành thủy sản, mà là uy tín, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế và các quan hệ ngoại giao khác. Vì thế, Ban Bí thư rất sốt ruột, thống nhất rất cao về việc cần thiết ban hành chỉ thị.

Bộ NN&PTNT đang làm việc với Văn phòng Trung ương Đảng để trình Ban Bí thư ra chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác chống khai thác IUU và dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới. Bí thư cấp ủy các cấp, bộ, ngành, tỉnh liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ban Bí thư. Dự kiến tháng 4, trực tiếp Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai sẽ chủ trì cuộc họp để phổ biến chỉ thị này.

Ở Việt Nam, việc gì mà cả hệ thống chính trị vào cuộc thì không có gì không làm được. Hy vọng sau chỉ thị của Ban Bí thư, dù chỉ còn hai tháng, nếu quyết tâm 200%-300%, có kết quả chuyển biến thực sự thì vẫn còn hy vọng đàm phán với EC gỡ thẻ vàng.

Đọc thêm