Cầu xây xong rồi bỏ không, người dân phải thuê đò qua sông

(PLO)- Cây cầu được đầu tư hàng chục tỉ đồng ở Đắk Lắk xây xong rồi bỏ không, người dân phải thuê đò qua sông.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Video: Cầu xây xong rồi bỏ không, người dân phải thuê đò qua sông

Ngày 12-6, ông Nguyễn Đỗ Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, xác nhận hàng ngày qua người dân địa phương này phải thuê đò qua sông vì cầu bắc qua sông Krông Bông xây xong nhưng chưa thể sử dụng do chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng.

thuê đò qua sông 3.JPG
Nhiều người dân phải thuê đò qua sông Krông Bông. Ảnh: TIẾN THOẠI

Dân thuê đò qua sông ngay dưới chân cầu đã xây xong

Theo chính quyền địa phương, cầu bắc qua sông Krông Bông nối xã Hòa Phong của huyện Krông Bông và xã Vụ Bổn của huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cơ bản hoàn thành các hạng mục xây lắp từ cuối năm 2023,

Thế nhưng, đến nay cây cầu trên vẫn chưa có đường dẫn ra tỉnh lộ 12 cách cầu khoảng 300 m do chưa giải phóng mặt bằng được. Hơn nửa năm nay, cây cầu vẫn “treo”, chưa thể sử dụng. Hàng ngày, người dân các xã Vụ Bổn, Hòa Phong vẫn phải bỏ tiền thuê đò qua sông.

Ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM cho thấy chỉ trong khoảng hai tiếng đồng hồ, có hơn 100 lượt xe máy qua lại bằng đò.

thuê đò qua sông 1.JPG
Lượng người, xe máy hàng ngày qua sông rất lớn. Ảnh: TIẾN THOẠI

Chiếc đò vận chuyển người, xe máy qua sông Krông Bông rất đơn sơ. Chủ đò nối dây cáp hai bên bờ sông dài khoảng 25 m và bắc ròng rọc nối từ đò lên dây cáp.

Mỗi khi có người, phương tiện qua sông, chủ đò níu tay vào dây cáp để kéo, di chuyển đò từ bờ này sang bờ kia.

Theo người lái đò tại sông Krông Bông, họ thu mỗi lượt phương tiện qua sông 10.000 đồng. Nhiều người như giáo viên, đi làm rẫy thường xuyên đi đò thì đóng mỗi tháng hơn 300.000 đồng.

Chở theo nhiều bao tải đựng phế liệu rời khỏi đò, bà Nguyễn Thị Tám (57 tuổi, ngụ xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông), cho biết bà làm nghề mua ve chai nên thường xuyên qua lại trên sông Krông Bông.

thuê đò qua sông 5.jpg
Cầu làm xong nhưng người dân vẫn phải thuê đò qua sông. Ảnh: TIẾN THOẠI

Theo bà Tám, mỗi lần đi về, bà phải tốn 20.000 đồng thuê đò. Khi thấy cầu bắc qua sông Krông Bông được xây dựng, bà Tám cũng như nhiều người dân rất mừng.

“Tôi mong chờ từng ngày được chạy xe trên cầu. Thế nhưng, cầu xây xong bỏ không gần nửa năm nay. Mỗi lần đi đò nước lớn rất nguy hiểm. Có lần tôi bị té rớt xuống sông, may mọi người cứu kịp”- bà Tám nói.

Vướng lớn nhất là trạm kiểm lâm

Nhiều người dân thường xuyên qua lại bằng đò trên sông Krông Bông cũng bày tỏ mong muốn cây cầu sớm được đưa vào sử dụng, giúp người dân đi lại thuận tiện.

thuê đò qua sông 4.jpg
Rào chắn trên cầu xây xong để ngăn các phương tiện qua lại. Ảnh: TIẾN THOẠI

Hiện cả hai đầu cầu bắc qua sông Krông Bông đều bị rào chắn, không cho các phương tiện qua lại vì chưa có đường dẫn lên cầu.

Theo ông Nguyễn Đỗ Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phong, nhu cầu đi lại của người dân hai bờ sông rất lớn. Vì vậy, chính quyền xã đã rốt ráo phối hợp thực hiện giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, đến nay điểm nối từ cầu ra tỉnh lộ 12 chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng nên cầu vượt sông Krông Bông chưa thể đưa vào sử dụng.

thuê đò qua sông 7.JPG
Chưa làm đường dẫn lên cầu. Ảnh: TIẾN THOẠI

“Cầu này quan trọng lắm! Nông sản bên này thường có giá thấp hơn bên Krông Pắk nhưng nhu yếu phẩm, giá cả các mặt hàng phân bón lại cao hơn vì đường sá xa xôi, đi lại khó khăn. Nếu cầu hoàn thiện, sẽ rất tiện lợi trong giao thương các mặt hàng nhu yếu phẩm. Ai cũng rất mong mỏi cầu sớm được đưa vào sử dụng”- ông Thảo chia sẻ.

Theo ông Thảo, có chín thửa đất của sáu hộ dân, trong đó có ba căn nhà, phải giải tỏa để làm đường dẫn lên cầu. Tuy nhiên, việc giải tỏa bị vướng mắc.

Cầu bắc qua sông Krông Bông dài gần 200 m, rộng hơn 8 m, có tổng mức đầu tư hơn 36 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (BQLDA tỉnh Đắk Lắk) làm chủ đầu tư.

Công trình khởi công từ 5-2023. Đến cuối năm 2023, cầu đã thi công 97% khối lượng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Bông, vướng mắc lớn nhất tại dự án cầu vượt sông Krông Bông là trạm kiểm lâm số 2 thuộc vườn quốc gia Chư Yang Sin.

thuê đò qua sông 6.jpg
Trạm kiểm lâm số 2, nơi vướng mắc nhất của dự án cầu bắc qua sông Krông Bông. Ảnh: TIẾN THOẠI

UBND huyện Krông Bông đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện làm việc với các bên liên quan để di dời trụ sở làm việc, thanh lý tài sản thuộc trạm kiểm lâm số 2.

Tuy nhiên, hiện chưa có quỹ đất để xây mới trạm kiểm lâm số 2 vì phải chờ quy hoạch, mất nhiều thời gian. Vì vậy, phương án nhanh nhất là thuê đất, di dời trạm kiểm lâm số 2.

Mới đây Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu vườn quốc gia Chư Yang Sin có văn bản gửi UBND huyện Krông Bông, bố trí địa điểm xây dựng trụ sở trạm kiểm lâm số 2.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo BQLDA tỉnh Đắk Lắk cũng xác nhận vướng mắc lớn nhất của dự án là trạm kiểm lâm số 2.

"Chúng tôi đang phối hợp, làm việc với các bên liên quan để giải phóng mặt bằng, hoàn thiện, đưa cầu vượt sông Krông Bông vào hoạt động trong thời gian sớm nhất có thể"-lãnh đạo BQLDA tỉnh Đắk Lắk nói.

Thêm 2 cây cầu "treo" vì không có đường dẫn

Tại Đắk Lắk còn có hai cây cầu khác cũng xây xong rồi bỏ không, tương tự cầu vượt sông Krông Bông do chưa giải phóng mặt bằng.

Đó là cầu Trắng trên tỉnh lộ 1 bắc qua sông Ea H'Leo, nối xã Ea Rốk và xã Ia Jlơi của huyện Ea Súp và cầu 110 nối tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai.

Trong đó, cầu Trắng được đầu tư gần 30 tỉ đồng, do BQLDA tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Cầu này xây xong hồi cuối năm 2022 nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu” do chưa có đường dẫn vì chưa giải phóng mặt bằng xong.

Còn cầu 110 có tổng mức đầu tư hơn 24 tỉ đồng, do BQLDA đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Đến nay, thân cầu 110 đã xây dựng được 88%, phần đường nối lên cầu tại địa phận tỉnh Gia Lai đã hoàn thiện.

Tuy nhiên, ở phía Đắk Lắk, việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong, khiến cầu bị “treo”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm