Cây xoài nhà hàng xóm lấn sang đất nhà mình có tự ý hái quả ăn được không?

(PLO)- Trong trường hợp cây của hàng xóm mọc lấn sang ranh giới đất nhà mình không thể tự ý hái quả trừ trường hợp có thoả thuận hoặc cây trồng là mốc giới chung.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bên nhà hàng xóm có một cây xoài mọc lấn sang ranh giới đất nhà tôi. Xin hỏi tôi có được tự ý hái quả không? Nếu hái có vi phạm gì không?

Bạn đọc Nguyễn Thanh Mai (Tây Ninh)

Tự ý hái quả.jpeg

Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời. Theo khoản 2 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Bên cạnh đó, tại khoản 2, Khoản 3 Điều 176 Bộ luật Dân sự cũng quy định, các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.

Đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Ngoài ra, Điều 191 Bộ luật Dân sự quy định người không phải là chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu cây trồng mọc hoàn toàn trên đất nhà hàng xóm và chỉ có rễ cây, cành cây lấn sang ranh giới thì anh/chị không có quyền tự ý thu hoạch, hái trái hoặc cắt tỉa cành; anh/chị chỉ có quyền yêu cầu nhà hàng xóm phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá.

Nếu cây trồng là mốc giới chung thì hoa lợi thu được từ cây được chia đều.

Nếu các bên có thỏa thuận thì anh/chị có thể thu hoạch, hái trái, xử lý rễ cành theo thỏa thuận đó.

Đối chiếu quy định trên, cá nhân nếu có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau: Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021 quy định xử phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi trộm cắp tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021 quy định xử phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức.

Trường hợp nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 hoặc Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm