Mới đây chuỗi cửa hàng kinh doanh đậu nành hữu cơ Soya Garden bất ngờ đóng hàng loạt cửa hàng tại phía Bắc và phía Nam, dù nhận được sự hậu thuẫn 100 tỉ đồng từ Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup do Shark Nguyễn Ngọc Thủy làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Chia sẻ với PLO, ông Hoàng Anh Tuấn, Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) chuỗi Soya Garden thẳng thắn thừa nhận, giống như tất cả các chuỗi ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B), Soya Garden cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
"Nếu xét thêm khía cạnh là người mới ở thị trường cùng hầu hết cửa hàng đều ở vị trí đắc địa, tổn thương của chúng tôi còn sâu sắc hơn người khác", ông Anh Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, theo CEO Hoàng Anh Tuấn, trong khó khăn luôn có cơ hội để nắm bắt, có điều người chủ doanh nghiệp phải tỉnh táo, dũng cảm và kịp thời. "Làm kinh doanh, mở dễ đóng khó. Khi đóng nhiều quán cần sự quyết đoán từ chủ doanh nghiệp, phải bỏ qua tính sỉ diện "mặt mũi" mà nhiều người mới vào kinh doanh hay mắc phải", ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cho rằng, việc đóng hàng loạt cửa hàng Soya Garden, xét về góc độ quản trị thì đó như là hành động tái cơ cấu doanh nghiệp. Theo đó, vị CEO này cho hay, trong thời gian tới, chuỗi thương hiệu Soya Garden sẽ bỏ bớt đi cửa hàng kinh doanh thiếu hiệu quả và giữ lại các cửa hàng có doanh thu tốt, vị trí đẹp. Đồng thời chuẩn bị ra mắt một loại hình cửa hàng khác, nhỏ hơn đồng nghĩa với ít tốn chi phí mặt bằng, nhân công hơn.
"Không chỉ có khó khăn từ dịch bệnh, trước sức ép của thị trường, chủ doanh nghiệp phải thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, nhất là những người điều hành chuỗi F&B như tôi. Để tồn tại, chúng tôi cần ưu tiên tính hiệu quả và bảo tồn giá trị cốt lõi vì lợi ích cao nhất của khách hàng, cũng như lợi ích lâu dài của nhà đầu tư. Sắp tới, tôi đoán sẽ có không ít chuỗi khác quyết định đóng bớt cửa hàng và tập trung đẩy mạnh bán online", CEO Soya Garden khẳng định.
Một cửa hàng mô hình kiosk của Soya Garden. Ảnh: TH
Trên thực tế, ngay từ khi thành lập, Soya Garden chỉ tập trung vào không gian trải nghiệm tại chỗ. Đến cuối năm 2019, thương hiệu này phát triển thêm ứng dụng gọi đồ uống. Cũng theo chuỗi thương hiệu này, từ nay đến cuối năm 2020, Soya Garden sẽ chính thức ra mắt mô hình kiosk, cửa hàng nhỏ và dịch vụ giao hàng tận nơi. Tuy nhiên, chuỗi sẽ không hoàn toàn thay các quán lớn bằng quán nhỏ, mà phát triển song song.
Không chỉ Soya Garden, nhiều chuỗi F&B lớn khác vẫn sống tốt xuyên suốt mùa dịch nhờ vào nhu cầu mua hàng qua dịch vụ giao hàng và bán mang đi- take away ngày một tăng cao. Ông Tuấn cho hay riêng Soya Garden, doanh thu từ việc bán hàng qua các kênh này cũng đã tăng vọt.
Một chuyên gia trong lĩnh vực F&B cho biết, ngành thực phẩm và đồ uống có rất nhiều cơ hội nhưng đi kèm vô số thách thức, thay đổi liên tục, điều quan trọng là phải thích ứng. Đơn cử, một loạt chuỗi cà phê đình đám một thời như The KAfe, Saigon Café, Urban Station, Gloria Jean’s đã phải đóng cửa hoặc thu hẹp cửa hàng kinh doanh.
"Muốn tiến lên phải thay đổi nhưng kèm theo đó là bản lĩnh người đứng đầu, thậm chí thương hiệu phải tái định vị ngay ở những lúc tưởng là thuận lợi nhất. Lịch sử cho thấy các đơn vị dẫn đầu thị trường rất linh hoạt trong việc thay đổi, áp dụng công nghệ để tăng trải nghiệm cho khách hàng như Highland Coffee, Starbuck… Một doanh nghiệp mới như Soya Garden đã có thể tỉnh táo và kịp thời đưa ra những điều chỉnh quan trọng, đây là một chỉ dấu về sự trưởng thành của startup Việt”, vị chuyên gia này nhận định.