Cụ ông Nguyễn Văn Dũng, 87 tuổi, phường 8, quận Gò Vấp (TP.HCM) đang tự mình mưu sinh để lo đủ cơm ăn cho hai con gái đã ngoài 50 tuổi. Nghe tin về những vất vả, gian truân của một ông lão ở độ tuổi xế chiều, nhiều mạnh thường quân đã tới tận nhà để mua ủng hộ bánh tét mà cụ ông đem bán.
Ông lão bán bánh ốm rồi!
Chỉ cần đến phường 8 hỏi về ông cụ bán bánh tét thì ai biết. Khi PV hỏi thăm về tin tức ông lão, anh Hưng, một người xe ôm ở ngoài ngõ nhỏ giọng:“Ông cụ bệnh mấy bữa nay rồi cô. Ông già vậy rồi đáng lý phải được nghỉ ngơi nhưng nay vẫn lận đận vì miếng cơm, manh áo. Ông cụ cả đời đi bán bánh cũng chỉ đủ mua thức ăn cho hai người con. May còn có nhà hảo tâm cất cho ông cụ cái nhà nên có chốn để che nắng che mưa.”
Đường vào nhà ông cụ cũng quanh co, lọt thỏm trong con hẻm nhỏ. Trong nhà im ắng đến nẫu ruột. Ông lão đang nằm bẹp trên chiếc giường sắt cũ kỹ, thở hổn hển nói không ra hơi, còn cô con gái ngồi bệt một góc mà không nói lời nào, có khách lạ thì nhoẻn miệng cười. Qua hỏi thăm hàng xóm thì được biết cô đã 50 tuổi bị câm bẩm sinh.
Thấy có người hỏi thăm, ông lão cố sức ngồi dậy, nói: “Chào cô, mấy ngày nay tôi bệnh quá không đi bán bánh được, không có bánh bán đâu cô. Cảm ơn cô nhiều”. Nói rồi ông lão lại thở hổn hển vì mệt. Trong lúc ngồi thăm ông, tôi thấy có nhiều người cũng đến hỏi han, người cho lon gạo, mì, muối, mắm để phụ ông cụ trong bữa ăn hằng ngày bởi biết ông mấy ngày liền không đi bán được.
Ông lão mệt mỏi vì đổ bệnh nhiều ngày. Ảnh: Đ.TRANG
"Mong khi tôi chết đứa chị nuôi được đứa em"
“Tôi bán bánh tét từ xưa tới giờ cũng mấy chục năm rồi. Lúc đó cứ nghĩ vừa bán vừa tranh thủ lo cho hai con nhưng ai ngờ cái nghề nó gắn với cuộc đời mình đến vậy. Nhiều lúc cũng cứ nghĩ có hai đứa con sẽ được nhờ, nào ngờ một đứa câm bẩm sinh, còn đứa chị cũng bị thiểu năng trí tuệ khiến tôi phải cố gắng hơn nữa để lo cho chúng nó” - ông lão nói.
Đưa tay chỉ vào người con gái út, ông buồn bã: “Nó 52 tuổi rồi đó nhưng đến nay tôi chưa được nghe giọng nói lần nào, chỉ giơ tay ra hiệu thôi. Tóc đã ngả hai màu nhưng tính tình thì mãi vẫn như đứa trẻ lên ba. Tôi chỉ mong con mình khôn ngoan như con người ta thì có nhắm mắt xuôi tay cũng đỡ lo”.
Ông khoe con gái lớn đã 54 tuổi đã được UBND phường 8 nhận làm tạp vụ. Tuy không được nhanh nhảu như người khác nhưng cô có công việc làm là ông mừng rồi. “Sau này nếu tôi có nhắm mắt, chí ít đứa lớn đi làm cũng nuôi đứa em được” - ông lão cười nhẹ.
Nằm trên giường bệnh, ông lão kể lại ngày trước ông còn khỏe, hai tay có thể xách được hai giỏ bánh đầy đi khắp các con đường, ngõ hẻm. Thậm chí, còn nhớ được sở thích của từng vị khách để ghé qua mời. Bây giờ tay yếu, xách một giỏ bánh mà phải vừa đi vừa nghỉ, chỉ mong sao sớm ra đến đầu đường để ngồi bán một chỗ thôi. Tuy hàng bánh nhỏ nhưng nếu bán hết số lượng bánh mà mối bỏ cũng được cả trăm ngàn.
Hoàn cảnh khó khăn của ông được nhiều người biết đến, chia sẻ và giúp đỡ. Thế nhưng ông lại muốn chia sẻ lại những món quà ấy với nhiều người. Nghe tin nhóm đoàn đến thăm, ông lão ngỏ ý: “Nhà tôi còn nhiều gạo với mì lắm, các cô các chú xem ai có hoàn cảnh khó khăn thì cho tôi chia sẻ chút. Đây cũng là tấm lòng của người dân cho tôi thôi!”
Anh Hồ Thanh Nhật, một mạnh thường quân chia sẻ: “Thấy ông cụ đã tuối xế chiều nhưng vẫn còn vất vả với gánh mưu sinh. Tôi cũng như nhiều anh chị chưa giúp được gì nhiều cho cụ, chỉ lâu lâu ghé qua mua chút bánh ủng hộ hoặc biếu chút quà cho các chị ăn đỡ. Ông ấy bằng tuổi cha chú mình nhưng cực và vất vả quá. Giờ đây ông cụ bệnh tật nên không thể đi bán bánh được, không biết cuộc sống sau này sẽ đi về đâu. Thôi thì bây giờ tôi còn khả năng, sẽ ráng cùng với mọi người hỗ trợ ông cụ cơm cháo qua ngày.” |