Vaccine là chế phẩm có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh đã bất hoạt, hoặc còn sống nhưng giảm độc lực, hoặc từ một phần cấu trúc của vi sinh vật gây bệnh. Tiêm chủng là việc sử dụng các hình thức khác nhau như tiêm, uống để đưa vaccine vào cơ thể con người với mục đích tạo cho cơ thể đáp ứng miễn dịch phòng bệnh. Tác dụng của vaccine nhằm kích thích hệ thống miễn dịch của người được tiêm chủng để tạo ra miễn dịch phòng bệnh chủ động.
Việt Nam chuẩn bị đưa vào tiêm chủng toàn quốc cho trẻ loại vaccine Combe Five thay thế vaccine Quinvaxem vào tháng 5-2018. Vaccine Combe Five có thành phần tương tự như vaccine Quinvaxem, có hiệu quả phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib. Cũng vì chứa vaccine ho gà toàn tế bào như Quinvaxem nên Combe Five cũng thường cho những phản ứng tại chỗ như sốt, sưng, nóng, đỏ đau khiến trẻ thường khó chịu, quấy khóc.
Ngoài vaccine còn có các thành phần khác trong vaccine như tá dược để tăng cường mức độ hoặc thời gian đáp ứng miễn dịch, những thành phần này có thể gây ra phản ứng cho bé.
Phản ứng sau tiêm chủng là bất kỳ sự kiện bất lợi nào xảy ra sau khi tiêm chủng và sự kiện đó không nhất thiết liên quan đến việc sử dụng vaccine. Có nhiều nguyên nhân gây ra phản ứng sau tiêm. Đó là: Phản ứng do bản chất vaccine (do đặc tính vốn có về bản chất, thành phần của vaccine gây ra); phản ứng do chất lượng vaccine, bao gồm dụng cụ tiêm; phản ứng do lỗi tiêm chủng, bao gồm việc bảo quản và sử dụng vaccine không đúng quy định; bệnh trùng hợp ngẫu nhiên (do bệnh sẵn có của đối tượng như tim bẩm sinh, sặc sữa, xuất huyết não... khởi phát sau khi tiêm chủng).
Phụ huynh cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, phiếu tiêm chủng, theo dõi tình trạng sức khỏe trẻ. Thông báo với cán bộ y tế tiền sử bệnh tật, sử dụng thuốc của trẻ, phản ứng sau tiêm chủng của lần tiêm chủng trước.
Về phía cán bộ y tế, cần khám sàng lọc, khai thác tiền sử bệnh tật, sử dụng thuốc/tiền sử dị ứng, tiền sử tiêm chủng/phản ứng sau tiêm chủng của trẻ.
Sau khi tiêm chủng, trẻ nên được theo dõi tại chỗ sau 30 phút, cán bộ y tế hướng dẫn bà mẹ cách theo dõi trẻ.
Phụ huynh thông báo ngay cho cán bộ y tế nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe: Trẻ khóc, bứt rứt, khó chịu, nôn, trớ, tại vết tiêm quầng đỏ lan rộng, nổi ban...
Cán bộ y tế hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc của phụ huynh sau tiêm chủng. Tư vấn, tiếp nhận và xử trí các phản ứng nhẹ sau tiêm chủng.
Phụ huynh tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà 1-2 ngày sau tiêm chủng; thường xuyên kiểm tra trẻ, đặc biệt ban đêm; không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm. Phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu bất thường như sốt cao trên 39°C, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; quấy khóc dai dẳng, kích thích vật vã, lừ đừ...; nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, bú kém, bỏ bú; co giật; phát ban...
Cha mẹ không tự ý dùng thuốc mà cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Nếu trẻ sốt thì cho cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo. Không nên dùng các loại thuốc lá, cây… khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế.
BS TRƯƠNG HỮU KHANH, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh
BV Nhi đồng 1 TP.HCM